liên hệ với tác phẩm Phán quyết này thì có lẽ bị phá sản ở đây không chỉ là
những doanh nghiệp Nhà nước, mà quan trọng hơn là sự phá sản của cả
những quan niệm bảo thủ trong tâm hồn con người.
Xét từ mặt ý nghĩa này thì Phán quyết quả đúng là một tác phẩm hiện
thực hiếm thấy, là một dạng miêu tả lịch sử của sự biến đổi hiện thực hơn
mười năm nay, hoặc, là sự miêu tả một mặt của lịch sử, nhưng mặt này đã
bị che kín bao năm nay trong văn học. Tiểu thuyết thiên trường Phán quyết
vừa may thông qua Thị trưởng chứ không phải người khác để mục kích mặt
này, đây là một mặt mà Thị trưởng không thể tưởng tượng nổi nhưng lại
không thể không tin, không thể không thừa nhận. Nếu nói cải cách là dòng
thác, vậy thì không thể không nhìn thấy trong dòng thác cuộn trào mãnh
liệt ấy cũng có những vàng thau lẫn lộn, cũng không thể không nhìn thấy
những bãi đá ngầm và những vùng nước xoáy. Chính những vùng nước
xoáy này đã suýt chút nữa cuốn trôi Thị trưởng, và nó cũng đã cuốn theo
rất nhiều người, theo cả tài sản quốc gia, cả mồ hôi xương máu của công
nhân, cuốn vào trong vòng xoáy của sự tham lam vô độ. Bao năm nay, văn
học của chúng ta luôn chỉ luẩn quẩn xung quanh cái biên giới của hiện thực
trực diện, thậm chí cái "hiện thực trực diện" ấy đã bị thay thế bằng "thế tục
trực diện", "thế tục" thay thế cho "hiện thực", dùng những ầm ĩ của "thế
tục" để che đậy đi những thay đổi bí mật trong quan hệ "hiện thực", che đậy
đi những hành vi hung hăng của lũ đầu trộm đuôi cướp. Còn có người hát
vang giai điệu "khoan dung", muốn mọi người "khoan dung" cái gì? Thị
trưởng Lý Cao Thành cuối cùng đã nhận ra một sự thực: "Hủy hoại và lật
đổ cải cách, biến lòng nhiệt tình của mọi người với cải cách thành nỗi căm
hận cải cách, chính là đám người trước mặt!" "Khoan dung và bỏ qua cho
bọn chúng, chính là tội nhân lịch sử muôn đời muôn kiếp!" Đây là một sự
thức tỉnh của Thị trưởng Lý Cao Thành sau khi tận mắt mục kích cái vòng
xoáy sâu đen tối, chính sự thức tỉnh này đã khiến ông đưa ra một phán
quyết vừa đau khổ vừa dứt khoát.