“Vài thứ linh tinh ấy mà”, tôi nói, nhưng những tiếng cuối cứ nghẹn lại.
Zelinsky lật úp cái máy Selectric lại và đưa một tua vít khác vào phần
dưới. “Đây không phải cửa hàng đồ chơi”, ông nói. “Tụi mày lấy cái gì cần
rồi biến đi.”
“Vâng”, tôi nói.
“Không vấn đề gì”, Clark tiếp lời.
“Đã hiểu”, Alf trả lời.
Chúng tôi còn chưa bước qua cửa mà tôi đã muốn quay đầu rồi. Nhưng
Alf và Clark đã cầm mấy cái giỏ bằng thép và tiếp tục thực hiện kế hoạch.
Tôi cũng lấy một cái và đi theo bọn nó.
Tôi đã đi mua sắm ở tiệm Zelinsky hàng tá lần rồi nhưng chưa lần nào đi
đến kệ tạp chí. Đằng sau quầy kiểm tiền, tiệm chia thành ba lối đi dài đầy
các vật dụng văn phòng: lịch và văn phòng phẩm, kim bấm và dụng cụ tháo
kim, giấy màu và bì thư, vài món linh tinh khác. Bọn tôi chia ra và bắt đầu
hành động.
Kế hoạch của Clark là chất đầy giỏ các vật dụng lớn nhưng rẻ tiền. Tôi
lấy một bìa hồ sơ, một hộp pin A13 và một ống keo Elmer lớn. Nếu món
nào chưa đến một hay hai đô, tôi bỏ vào trong giỏ. Chẳng có mống khách
hàng nào khác. Cửa tiệm lúc đó im lặng như tờ, chỉ có tiếng đài phát thanh,
Phil Collins đang lặp lại đoạn điệp khúc nhỏ dần của bài Invisible Touch.
Nhưng ngay khi vừa kết thúc, bất ngờ bài hát phát lại từ đầu.
Phía sau quầy là một gian phòng trưng bày lớn được thiết kế trông giống
như văn phòng làm việc, có đầy đủ cả bàn và ghế xoay, máy đánh chữ,
đồng hồ treo tường và tủ tài liệu. Mọi thứ đều có nhãn giá tiền, cả phòng
trưng bày hàng là để chào bán luôn.
Một cô gái mập mạp ngồi bên một cái bàn, đang gõ trên máy tính
Commodore 64.
Trên màn hình hiển thị đầy những mã và tôi ở quá xa không thể đọc
được, nhưng tôi có thể nghe được kết quả vọt ra từ cặp loa: một phiên bản
chép lậu, có tạp âm lạo xạo của bài Invisible Touch, là bài hát đang phát