cuộn giấy in bỏ vào máy tính tiền. Những thứ cậu mua chẳng ăn nhập gì
với nhau.”
Cô ấy nghiêng người thì thầm, tôi có thể ngửi được mùi nước hoa, thanh
khiết và sạch sẽ, hệt như hương xà phòng trong nhà tắm vậy. Mớ tóc đen
dài xõa ngang vai. Cô ấy mặc chiếc áo thun quá cỡ in hình buổi hòa nhạc
Genesis, tay đeo vòng hạt tím. Một cây thập giá nhỏ bằng vàng móc vào sợi
dây chuyền quanh cổ cô ta.
“Đó là máy tính 64 của cậu à?” Tôi hỏi.
“Là của cửa hàng. Lẽ ra là để bán, nhưng bố mình để mình dùng nó.”
“Mình cũng có một cái ở nhà.”
Cô ấy thoáng vẻ hoài nghi: “Là loại lưu trữ ổ đĩa hay băng từ?”
“Ổ đĩa”, tôi nói, bắt đầu lên giọng tự hào một tí. Những tay lập trình chắt
bóp thường lưu trữ dữ liệu trên băng từ, nhưng quá trình lưu rất chậm và
không đáng tin cậy. Tôi chỉ tay về phía bộ loa treo trên trần, Dường như cô
ấy đang nghĩ mông lung, chắc vậy, và hỏi: “Máy tính của cậu đang mở bài
này à?”
“Đúng thế, mình đang táy máy bộ tạo dạng sóng. Con chip SID có ba
kênh âm thanh, nhưng để thể hiện bài hát đúng chuẩn thì cần đến bốn kênh.
Đó là lý do vì sao không nghe được tiếng trống.”
Nếu cô ấy trả lời bằng tiếng Nhật thì chắc tôi sẽ không kinh ngạc đến
thế: “Cậu lập trình máy 64 để phát bài Invisible Touch à?”
“Bài Sussudio của mình nghe bốc hơn. Mình đang nhập mã của tất cả các
bài hát hay nhất vào chiếc 64 ấy, mỗi lần một bài. Thế là mình có thể nghe
chúng trên máy của mình.”
“Cậu là nhạc sĩ à?”
“Không, chỉ là mình thích Phil Collins. Những nhóm nhạc Anh là tuyệt
nhất, cậu biết họ chứ?”
Tôi không biết. Hầu hết những người trong khu vực của tôi xem mấy chữ
Sản xuất tại Mỹ như huân chương danh dự vậy. “Còn Van Halen thì sao?”