Có mười hai người học việc như tôi, toàn là con trai. Nửa trong số đó
nhìn như người tàn tật, nửa còn lại trông như muốn giết tôi. Những nhân
công trưởng thành là người châu Mỹ Latin, châu Á và Ấn Độ với kỹ năng
giao tiếp tiếng Anh hạn chế; giờ ăn trưa, họ chia làm các phe, như những
băng nhóm trong trường học hay nhà tù. Chẳng ai chào hỏi hay mỉm cười
với tôi, tôi như thể vô hình vậy.
Giờ nghỉ, tôi đem bánh mì kẹp ra ngoài bãi đậu xe, thu mình dưới bóng
một thùng rác lưu động và đọc tiểu thuyết của Stephen King. Tôi ngốn
ngấu câu chuyện nhiều đến mức có thể trong giờ nghỉ kéo dài ba mươi phút
đó để tôi có thể dành giờ chiều nghiền ngẫm lại cốt truyện, cố đoán chuyện
xảy ra tiếp theo. Chẳng còn gì khác vướng bận tâm trí. Đôi khi tôi thử đếm
số lọ mascara (cái này đòi hỏi tập trung hơn ta tưởng, số lượng nhiều nhất
tôi từng đếm được là bảy trăm mười lăm lọ trong vòng bốn mươi bảy phút).
Nhưng hầu hết thời gian tôi chỉ nghĩ đến Mary Zelinsky và việc tôi đã hủy
hoại mọi thứ thế nào.
Trong khi đó, Alf và Clark đã tham gia ca cuối ngày của McDonald ở
Wetbridge. Bọn nó luôn mồm than phiền về nỗi gian truân trong công việc -
khách hàng thô lỗ, nhà bếp nóng như lò thiêu, những đống dầu mỡ bẩn
kinh. Nhưng tôi biết bọn nó đang tận hưởng cuộc sống riêng. Nhà hàng đầy
nhân viên lứa tuổi thiếu niên, nhân viên nữ chiếm một nửa và ca tối giống
như những buổi tiệc lê thê, khó chịu. Bọn nó toàn ở lại cho đến nửa đêm,
chén sạch mớ hamburger, đùi gà và tiêu nhẵn cả trăm đô mỗi tuần.
Hầu như đêm nào tôi cũng tạt ngang McDonald và ngồi tại khu vui chơi
của trẻ em, đọc truyện của Stephen King cho đến khi Alf và Clark ra ngoài
vào giờ nghỉ của bọn nó. Qua nhiều tuần, tôi gặp hết những đồng nghiệp
của chúng - mấy cô gái dễ thương ở quầy tính tiền, mấy tay ở chỗ nướng
thịt, ông bác thân thiện chuyên đem rác ra ngoài và dọn dẹp phòng ăn.
Chúng kể tôi nghe những chuyện không ngờ của những khách hàng không
tưởng, như một người ăn chay gọi một cái bánh mì kẹp không thịt, hay một
ông đưa tờ năm mươi đô và vọt đi mà không lấy tiền thừa.