- Xong rồi! – anh nói, sau khi đã băng xong cho một thương binh và đắp
chiếc áo lông cộc lên người đó.
Nếu có người nào đó bắt đầu thét lên hay vùng vẫy thì Masha liền giúp
trung sĩ.
- Nào, cố chịu đựng, hãy cố chịu đựng… ối dào, sao mà không điềm tĩnh
đến thế! – Masha hết hơi và giọng cô nghẹn lại. – Tốt hơn là anh hãy hình
dung xem sau chiến tranh… chúng ta sẽ sống sướng như thế nào.
Khi cả năm người thương binh đều đã được băng bó xong thì
Rumyantsev chùi tay vào vạt áo bờ lu và móc túi thuốc lá ra.
- Bây giờ thì có thể phì phèo điếu thuốc được rồi, – anh nói.
Masha gọi anh và xin nước uống. Cô khát nước từ lâu và kiên nhẫn cố
đợi cho đến khi Rumyantsev rảnh việc. Trung sĩ mang đến một cà mèn
tuyết, và Masha khoái trá nuốt những bông tuyết mịn màng và lạnh ngắt.
- Ngon hơn nước chanh, – cô mỉm cười nói.
Rumyantsev ngồi xuống và châm thuốc hút.
- Bực thật, – Masha nói. – Đúng vào lúc nước sôi lửa bỏng này… thì tôi
lại bị thương… Thế là anh phải vất vả thay tôi.
- Cứ tính là cô sẽ mắc nợ mình, – Rumyantsev vui vẻ nói. – Khi nào cô
khỏi thì chúng ta sẽ thanh toán với nhau. Chỉ có điều là nếu chỉ một bao
thuốc lá thơm thì mình sẽ không lấy đâu.
- Anh cố làm cho tôi bình tâm hở? – Masha âu yếm trách. – Tôi bị chứng
tràn khí ngực! – cô nói rời rạc cái chữ khó nói đó.
- Thì có việc gì, – Rumyantsev nói, rồi hít một hơi và nhả khói ra.
- Dốt thế… – Masha nói. – Với vết thương như thế này, ngay cả trong
điều kiện quân y viện cũng còn khó cứu sống, huống nữa là. – Trong giọng
nói của cô luôn luôn cảm thấy cái vẻ hiểu biết hơn của một nhà chuyên
môn so với một kẻ i tờ, và chính cảm giác ấy đã bắt buộc cô nói về thương
tích của bản thân như là về một điều gì đó của người khác.