Trung Hoa, nhưng ngược lại Việt Nam đã ảnh hưởng lại Trung Hoa rất
mãnh liệt mà ít ai thấy được, và trường hợp Huệ Năng là một thí dụ điển
hình. Phật giáo Việt Nam đã ảnh hưởng mãnh liệt đến Phật giáo nước
ngoài, như một trường hợp điển hình khác ít ai biết: năm 735, Thiền sư Việt
Nam tên là Phật Triệt đã đến Nhật Bản và dạy chữ Phạn cho những Tăng sĩ
Nhật Bản, và đồng thời Tổ sư trao truyền nhạc Phật giáo cho nền vũ nhạc
triều đình Nhật Bản mà ngày nay người Nhật rất hãnh diện đã giữ lại nền vũ
nhạc tuyệt vời ấy và coi như “một trong những kỳ quan của thế giới” và
chính người Nhật cũng công nhận rằng đó là nền vũ nhạc mà chính một
người Việt Nam đã trao truyền cho họ vào thế kỷ thứ VIII đang khi đó ở Việt
Nam chúng ta đã quên mất hết tất cả những gì gọi là tinh túy của dân tộc(1).
Đây là một trường hợp đáng lưu ý cho những người quan tâm đến quốc học
mà tôi sẽ đề cập trong dịp khác. Bây giờ xin đóng dấu ngoặc lại và trở về
ngài Huệ Năng.
Chúng ta thử tưởng tượng hình dung một đứa con nít Việt Nam khi sinh
ra đời thì nước Việt Nam đã trở thành lãnh thổ của nước Trung Hoa. Chúng
ta chỉ biết đứa con nít ấy tên là Năng (chữ “Huệ” có thể do Ngũ Tổ đặt
thêm cho Năng). Không ai biết rõ tung tích của đứa bé ấy, chỉ biết rõ rằng
đứa bé ấy là người đất Lĩnh Nam (tức là Việt Nam). Ngay đến tên tuổi cha
mẹ của Huệ Năng trong bản Đôn Hoàng và những bản sau của Pháp Bảo
Đàn kinh đều do những thế hệ sau thêm vào (bản Đôn Hoàng Pháp Bảo Đàn
kinh xuất hiện sau năm viên tịch của Huệ Năng ít nhất trên một thế kỷ sau).
Khi đứa trẻ ấy lớn lên khoảng ngoài hai mươi tuổi, ở vùng gần biên giới
Trung Hoa, nghèo khổ, phải đi bán củi nuôi sống, người nhỏ bé, ốm yếu, gầy
đét, nhưng thông minh siêu phàm xuất chúng; tình cờ chỉ nghe một người
tụng kinh Kim Cang mà giác ngộ; Huệ Năng biết nói tiếng Tàu, nhưng nói