Năng người đất Lĩnh Nam là người Trung Hoa, thì tôi phải kết luận rằng
“người Việt Nam” ấy cho tới thế kỷ thứ XX vẫn chấp nhận “sự Bắc thuộc
lần thứ ba” của Trung Hoa, vì lúc đó vào thời Huệ Năng, chúng ta bị coi
như lệ thuộc Trung Hoa. Mặt khác, nếu có người Trung Hoa nào muốn
chứng minh Huệ Năng là người Trung Hoa thì phải bôi mấy chữ “các
lão” và “Lĩnh Nam” trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh được chép
ra liên tiếp trong mười ba thế kỷ.
Giữa những khó khăn lớn lao đang xảy đến cho Giáo hội Phật giáo
Việt Nam tại quê hương, giữa những ngày khó khăn trong thời gian phải đối
diện và hóa giải những thử thách gay gắt dành cho Tổng hội Phật giáo Việt
Nam tại Hoa Kỳ mà tôi là đại diện lãnh đạo, mỗi khuya tôi đã thức dậy tụng
kinh Lăng Nghiêm, sau đó, tôi đã kiên nhẫn âm thầm yên lặng trong ba
tháng An cư kiết hạ ngồi dịch lại tiếng nói của ngài Huệ Năng, trả lại tiếng
nói của ngài về đúng tiếng mẹ đẻ của ngài: tiếng Việt Nam, để cho tất cả
chúng ta, những người Phật tử Việt Nam ở hải ngoại, trong tình cảnh sống
tha phương trên đất khách, được nghe lại tiếng nói của hồn Dân tộc và Đạo
pháp, tiếng nói của một thiên tài vĩ đại nhất Việt Nam và một trong những
thiên tài tâm linh lớn nhất của nhân loại. Dù bất cứ chúng ta lưu lạc ở
phương trời nào, mỗi khi chúng ta không quên được tiếng nói của quê
hương, tiếng nói suối nguồn trong khiết của đạo lý, thì “chính thân thể
mình là quê hương” như ngài Huệ Năng đã nói, và dù có ai đã đem vô
minh đen tối đến cho quê hương và đạo pháp, nhưng chơn lý vẫn luôn luôn
chiến thắng như ngài Huệ Năng đã nhắn lại với chúng ta: “Cũng như một
ngọn đèn có thể trừ được một ngàn năm bóng tối thì một ánh sáng của trí
tuệ cũng có thể diệt được một vạn năm ngu si đen tối”.