“Chơn tâm là đạo tràng, chơn tâm là Tịnh độ”. Đừng bao giờ trong tâm xảo
trá mà ngoài miệng lại nói về cái ngay chính của pháp. Miệng nói nhất hạnh
tam muội mà không thực hành chơn tâm, kẻ ấy chẳng phải là đệ tử của Phật.
Chỉ cần thực hành chơn tâm, không chấp trước bất cứ pháp nào, đó gọi là
nhất hạnh tam muội. Người mê nệ vào các tướng của pháp, chấp trước nhất
hạnh tam muội, cho rằng chơn tâm có nghĩa là ngồi bất động, trừ vọng tưởng
không để cho bất cứ gì khởi lên trong tâm, cho đó tức là nhất hạnh tam
muội. Nếu như thế thì pháp này cũng giống hệt như vô tình, đó là nguyên
nhân chính chướng ngại sự đạt đạo. Đạo phải là một cái gì thông suốt lưu
chuyển, làm sao có thể trệ ngại được. Nếu tâm không đình trệ nơi pháp, đạo
lập tức thông suốt lưu chuyển; nếu tâm đình trệ nơi pháp, thì đó gọi là tự trói
buộc. Nếu ngồi bất động là đúng, Duy Ma Cật đã chẳng có lý do để quở Xá
Lợi Phất mãi ngồi bất động trong rừng.
Này các thiện tri thức, có nhiều người dạy người khác ngồi yên mà
quán tâm quán tịnh, không động đậy không khởi “tâm”, và họ dồn nỗ lực
vào việc đó. Kẻ mê mờ không giác ngộ, bèn chấp vào đó mà thành điên đảo,
hạng người như thế có đến hàng trăm. Những ai dạy người khác pháp tu như
thế, thực là sai lầm vô cùng.
15. Này các thiện tri thức, do đâu mà được định tuệ bình đẳng, như thể
ngọn đèn và ánh sáng mà đèn tỏa ra. Có đèn thì có ánh sáng. Không có đèn
thì không có ánh sáng. Đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn.
Tên tuy có hai, thể đâu có phải là hai. Pháp định tuệ này cũng y như thế.
16. Này các thiện tri thức, pháp vốn không có đốn tiệm, song người có
thông minh và chậm lụt. Với kẻ mê thì nên khuyến tu tiệm pháp, người ngộ
mới nên tu đốn pháp. Biết được bổn tâm tức là thấy bổn tánh. Khi ngộ lập