đó đi ngược lại đạo. Quán tâm quán tịnh, chính là cái nguyên do che chướng
đạo.
19. Này các ông, đã hiểu như vậy rồi, thì trong pháp môn này, gọi là
“tọa thiền” có nghĩa là gì? Trong pháp môn này, “tọa” có nghĩa là khắp nơi
vô ngại, bên ngoài không khởi niệm nơi bất cứ cảnh giới nào; “thiền” có
nghĩa là “bên trong” thấy được bổn tánh và không bị loạn động.
Gọi là “Thiền định” có nghĩa là gì? Bên ngoài xa lìa các tướng gọi là
“thiền”, bên trong không loạn gọi là “định”. Bên ngoài nếu như tuy có
tướng, song bên trong bổn tính vẫn không loạn, thì đó là cái tự tịnh tự định
bổn nguyên. Chính sự liên hệ với ngoại cảnh gây nên loạn tâm. Do đó bên
ngoài xa lìa các tướng tức là “thiền”, bên trong không loạn tức là “định”.
Ngoại thiền nội định, cho nên gọi là Thiền định. Kinh Duy Ma Cật nói: “Lập
tức, hoát nhiên, đạt lại được bổn tâm”. Bồ Tát Giới nói: “Tự tánh vốn bổn
nguyên thanh tịnh”. Này các thiện tri thức, hãy tự thấy rằng tự tánh mình
vốn thanh tịnh, tự tu tập tự thành tựu. Tự tánh của mình chính là Pháp thân,
sự tu hành của mình chính là sự tu hành để thành Phật. Tự thành tựu chính là
sự tự thành Phật đạo cho chính mình.
20. Này các thiện tri thức, phải nên bằng tự thể của mình mà thọ vô
tướng giới này, và đồng thời niệm những lời Huệ Năng tôi sắp nói. Như thế
sẽ giúp cho các thiện tri thức thấy được tam thân Phật trong chính mình.
“Tôi xin quy y thanh tịnh Pháp thân Phật trong sắc thân của chính mình; tôi
xin quy y trăm, ngàn, ức Hóa thân Phật trong sắc thân của chính mình; tôi
xin quy y viên mãn Báo thân Phật của tương lai trong chính sắc thân
mình” (tụng những lời trên ba lần). Sắc thân chính là nhà của mình, nên
không thể nói quay về. Tam thân mà tôi vừa đề cập đến ở ngay trong tự tánh