mục” của ngài Huệ Năng qua cái nhìn của tôi từ những dữ kiện rõ ràng có
thể thấy được, dưới một luồng ánh sáng khác chiếu rọi trên con đường cô
độc của một đạo sĩ Việt Nam cách đây trên 13 thế kỷ. Điều sai lầm lớn nhất
là mỗi khi ta nhắc đến ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung rằng
ngài có hình dáng một cụ Hòa thượng già nua, mường tượng như những
hình ảnh ta nhìn thấy trong sách vở Tàu; tất cả những hình ảnh của ngài và
ngay cả hình ảnh chụp nhục thân của ngài đều là những hình ảnh do những
đời sau nguỵ tạo. Chúng ta cần phải thành kính thờ lạy tất cả những hình
ảnh về ngài do những thế hệ đã qua để lại, vì tất cả những di ảnh ấy đều là
những biểu tượng cần thiết hữu hình về ngài; chúng ta phải cần có những
biểu tượng hữu hình để thờ lạy, vì cơ cấu tâm thức của chúng ta cần phải
nương tựa thành kính vào một hình tượng cụ thể để mới có khả năng vượt
qua hình tượng, chứ không thì dễ rơi vào chủ nghĩa hư vô. Nhu yếu vô hình
và siêu hình của tâm hồn phải cần nương tựa vào một hình tượng nhất định
để rồi siêu hóa và chuyển hóa tất cả những hình tượng. Chính ngay đương
thời với ngài Huệ Năng, theo truyền thuyết, có đệ tử tạc tượng ngài, nhưng
chính ngài Huệ Năng ngó tượng và mỉm cười: “Ngươi chỉ có tài nặn hình
mà chẳng hiểu được tánh Phật”. Dù đây chỉ là đoạn văn do người sau thêm
vào Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn kinh, nhưng vẫn nói lên được cụ thể cái
tinh thần vô tướng của nguyên ngữ khí của Huệ Năng. (Bản Tông Bảo có
điều vô lý là ghi rằng Phương Biên, người tạc tượng, đã gặp Bồ Đề Đạt Ma,
đến trước Huệ Năng năm đời Tổ). Chúng ta thường hình dung nét mặt của
ngài Huệ Năng là nét mặt hiền hậu của một cụ già, nhưng chúng ta đã quên
rằng Huệ Năng đã từng rất trẻ, và chính tuổi trẻ của Huệ Năng quyết định
hết tất cả sự nghiệp tâm linh vĩ đại của Huệ Năng, vì tất cả những bản khác
nhau của Pháp Bảo Đàn kinh đều giống nhau ở chỗ nói lên tuổi trẻ của Huệ