VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER Ở TÂY NAM BỘ
229
học làm người, để đến tuổi trưởng thành trở về lập gia đình và tham
gia hoạt động xã hội. Trước đây, khi chưa có hệ thống trường công
lập, chùa Khmer trở thành trường học dạy chữ cho đồng bào, chính
các vị sư sãi vừa là người thầy dạy chữ (chữ Pali), dạy văn hóa vừa
dạy giáo lý cho tín đồ. Chính vì thế, chùa Khmer có vai trò to lớn
trong việc dạy chữ đã góp phần bảo tồn chữ viết, bảo tồn văn hóa
Khmer.
Chùa cũng là nơi giáo dục rèn luyện về đạo đức, nhân cách làm
người. Con trai từ 12 - 13 tuổi phải vào chùa tu hành để rèn luyện
tâm tính theo giới luật và theo triết lý nhân sinh của nhà Phật. Vào
chùa được học giáo lý, học đạo đức, thực hành theo giới luật, theo
quy trình nghiêm khắc của nhà chùa là môi trường tốt rèn luyện
đạo hạnh của con người. Chuẩn mực của Phật giáo Nam tông là tiết
chế dục vọng, xa lánh tham, sân, si, thực hành vô ngã vị tha.
Chùa cũng là trung tâm văn hóa của Phum, Sóc người Khmer.
Mọi lễ hội Phật giáo, lễ hội dân tộc đều diễn ra ở chùa, do nhà sư
chủ trì hướng dẫn. Hằng năm vào các ngày lễ, dân trong phum, sóc
tập trung về chùa làm lễ, tổ chức hội hè. Mọi người vừa được tỏ lòng
thành kính với đức Phật, vừa là dịp để gặp gỡ vui chơi sau những
tháng ngày lao động vất vả, đồng thời đây cũng là dịp các chùa tổ
chức cho đồng bào trong các phum, sóc đua tài qua các cuộc thi
đấu thể thao, văn nghệ, thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai
qua đua ghe ngo, đua bè. Nhiều chùa Khmer hiện nay còn giữ được
những bộ nhạc cụ dân tộc rất độc đáo. Cho đến nay, các ngôi chùa
của Phật giáo Nam tông Khmer vẫn là các trung tâm văn hóa, với
không gian rộng, có người hiểu biết hướng dẫn, có phương tiện
nghe nhìn nên đã trở thành nơi giao lưu gặp gỡ của mọi người, mọi
lứa tuổi vào những ngày tuần tiết lễ hội.
3. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA SƯ SÃI PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER
Trong lịch sử cũng như hiện tại, sư sãi Phật giáo Nam tông
Khmer có vị trí, vai trò, ảnh hưởng rất quan trọng trong đời sống,
tín ngưỡng của cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông
ở miền Tây Nam bộ. Trong kháng chiến chống xâm lược nhiều vị sư