PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TẠI LỘC NINH
391
tranh chật chội, nhà cửa xây cất đan xen lẫn lộn vào nhau, không
theo một trật tự nào cả. Trong khi đó, những người di dân có xu
hướng mở rộng vùng cư trú của họ về phía người Khmer thông qua
các thương vụ mua bán đất đai. Những người Khmer không còn
đất sản xuất, chuyển dần sang làm thuê kiếm sống, một số người lại
tiếp tục bán những căn nhà sàn bằng gỗ quý, gây ra hiện tượng “chảy
máu nhà sàn” trên vùng Lộc Ninh và Đông Nam bộ.
Lúc mới xây dựng các chùa Khmer thường có khuôn viên rất
rộng và thường không làm hàng rào bao quanh như các chùa Khmer
ở miền Tây Nam bộ. Do đất đai khi xưa không phải là tài sản quý,
người Khmer ai cũng sở hữu những phần đất rộng để làm ruộng và
chăn thả trâu bò, Phật giáo Nam tông đã ảnh hưởng vào máu thịt
của mỗi người Khmer, nên không có người Khmer nào lại chiếm
hữu đất đai của nhà chùa cả. Từ sau năm 1975 phần nhiều các chùa
Khmer ở Lộc Ninh đã trở thành hoang địa. Do nhiều nguyên nhân
khách quan và chủ quan, một phần đất nhà chùa sau đó đã bị trưng
dụng và chuyển sang sở hữu tư nhân cho đến nay. Chùa Sóc Lớn
lúc mới thành lập vào năm 1931, đất chùa và nghĩa trang phum có
diện tích 4,8 ha. Nay đất chùa chỉ còn lại khoảng ½ so với diện tích
ban đầu. Một số chùa nằm gần quốc lộ 13 nhưng phần đất mặt tiền
không còn thuộc quyền sở hữu của người Khmer nữa, nhà chùa chỉ
còn lại một con đường nhỏ dẫn vào khuôn viên chùa nằm khuất sau
một khu dân cư mới.
Một khó khăn khác xuất phát từ chính người Khmer, sau một
thời gian dài Phật giáo gián đoạn, dân sóc cũng dần phai nhạt với
giáo lý và niềm tin của Phật giáo. Khi các nhà sư Khmer trở lại vùng
đất Lộc Ninh, phương thức thực hành tôn giáo của miền Tây Nam
bộ được áp dụng tại các địa điểm mới này. Mỗi buổi sáng, một
nhóm các nhà sư ôm bát đi vào sóc. Dân sóc rất đỗi ngạc nhiên vì
sự hiện diện bất ngờ của các nhà sư áo vàng, người già biết chuyện
mang thức ăn ra dâng tặng cho sư. Nhiều người Khmer khác bắt
chước làm theo nhưng truyền thống Phật giáo Nam tông đã mất
trong nhận thức của họ. Họ hoàn toàn không biết về cúng dường