Đặng Phùng Quân
Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít
Chương 8
Marx là một trong những khuôn mặt lớn ngự trị thế giới tư tưởng thế kỷ
XX. Tuy nhiên, so với những nhà tư tưởng khác, vị thế của Marx hơn hẳn
vì tư tưởng Marx gắn liền với một chủ nghĩa - chủ nghĩa ấy lại được
chuyên chở qua một chính đảng thống trị hơn một phần ba địa chí chính trị
gần một trăm năm (đến tận cuối-thế-kỷ/1990, không kể đến sự tồn tục của
một số quốc gia sẽ nói đến ở chương sau). Cho nên Mihailo Markovíc, một
trong những triết gia của Trường Hạ Korcula và tạp chí Praxis vào những
thập niên 60s đã phát biểu: "Khi lý luận của Marx trở thành hệ tư tưởng của
cả một phong trào quốc tế đầy quyền lực, và để hoàn thành thắng lợi nhiệm
vụ này thì nó phải chịu vật hóa và mang những phẩm chất huyền thoại
thiêng liêng không được xúc phạm." Hệ tư tưởng ấy thống trị suốt chiều dài
lịch sử thế kỷ, cho nên khi đặt vấn đề cáo chung của lịch sử nổi lên từ một
số những nhà lý luận vào cuối thế kỷ như Lutz Niethammer, Francis
Fukuyama, Perry Anderson, Keith Windschuttle đều hàm ngụ sự cáo chung
của chủ nghĩa Mác - hợp đồng với sự sụp đổ của "chế độ cộng sản". Như
vậy còn có thể nói đến Marx?
Câu hỏi có thể bắt đầu từ một thách đố: Trong phần dẫn nhập Về vấn đề
phương pháp của cuốn Phê phán lý trí biện chứng xuất bản vào năm 1960,
Jean-Paul Sartre cho rằng nếu triết học phải là tổng thể hóa của tri thức,
phương pháp, tư tưởng điều hợp, vũ khí tấn công và cộng đồng ngôn ngữ
thì chỉ có ba thời kỳ sáng tạo triết học: "thời" của Descartes và Locke, của
Kant và Hegel, và sau cùng là "thời" của Marx. Theo ông, những triết học
sau Marx, chống Marx hay vượt Marx chỉ là trở lại thời tiền Marx, kể cả xu
hướng "xét lại" cũng chỉ là vòng luẩn quẩn phi lý. Chính ông coi tư trào
hiện sinh cũng chỉ như một giai đoạn cá thể nằm trong cái tổng thể của chủ
nghĩa Mác. Quan điểm này của Sartre mang tính kinh viện, đưa ra vào lúc
cấu trúc luận đang ngự trị trên diễn đàn tư tưởng như mở đường cho tư
tưởng khai phá mọi lĩnh vực nhân văn. Tuy nhiên Sartre xác tín lý giải duy