của thực tại. Như vậy triết học ở thời đại tư sản đồng nhất với toàn bộ xã
hội tư sản? Và nếu như xã hội tư sản là triết học nhập thể của thời đại tư
sản thì sự sụp đổ của chế độ tư bản sẽ là cáo chung của triết học này?
Một cách thế thủ tiêu triết học khác là biến đổi triết học thành một "lý luận
biện chứng của xã hội" như Herbert Marcuse trình bày trong Phần Hai tác
phẩm Lý trí và Cách mạng/Reason and Revolution. Tuy nội dung sách
nhằm đi lý giải lại triết học của Hegel để chứng minh là những khái niệm
cơ bản của Hegel nghịch lại với những xu hướng thời đại dẫn đến lý luận
và thực tiễn phát xít (sách xuất bản lần đầu năm 1941), nhưng phần hai
nhằm trình bày những phát triển tư tưởng, chủ yếu là lý luận của Marx.
Marcuse chỉ ra sự chuyển tiếp từ triết học sang lý luận xã hội, "ảnh hưởng
của triết học Hegel tới lý luận xã hội và chức năng đặc thù của lý luận xã
hội hiện đại không thể hiểu được trừ phi đi từ hình thái mở ra trong triết
học Hegel và những xu hướng phê phán dẫn đến lý luận của Marx." Marx
xuất hiện đối diện với Hgel như một nhân tố thủ tiêu triết học và xây dựng
lý luận biện chứng của xã hội, như Marcuse nhận định: "Lịch sử trưởng
thành/Entstehungsgeschichte của nhân loại mà Marx gọi là tiền lịch sử, là
lịch sử của xã hội có giai cấp. Lịch sử thực sự của con người chỉ bắt đầu
khi xã hội này bị thủ tiêu. Biện chứng Hegel cho hình thái luận lý trừu
tượng của phát triển tiền sử, biện chứng của Marx là vận động cụ thể thực."
Tuy nhiên, trong những thập niên sau, Marcuse không quan niệm "sự lật
ngược" Hegel theo chủ nghĩa duy vật của Marx là quá độ từ triết học sang
lý luận xã hội nữa mà là "nhận thức được những gì mà những hình thái đã
thiết lập của đời sống đạt tới giai đoạn phủ định lịch sử".
Thật sự những trào lưu tư tưởng ở thế kỷ XX chứng thực khi phê phán và
phá đổ hệ thống Hegel đã chỉ ra chân lý của một tư trào mới xuất hiện một
cách biện chứng trên cái cũ có tính lịch sử và tương ứng với một chân lý
luôn luôn phải xây dựng lại, và những tư trào ấy phát triển độc lập với cơ
sở nguyên ủy. Lập luận của Sartre không có cơ sở về nhiều mặt: triết học
Marx không phải là thành quả của thủ tiêu triết học, hay quá độ từ triết học
này sang triết học khác (bởi điều này hàm ngụ một tiến hóa nội tại của
những ý tưởng), không thể quan niệm về mặt biện chứng sự tồn tại vĩnh