Cho nên yêu cầu dân chủ và nhân bản nổi lên trong những phong trào đối
kháng của quần chúng công nhân, nông dân, sinh viên và trí thức đã được
nuôi dưỡng từ những khủng hoảng và phê phán tư tưởng từ nhiều năm.
Cuộc nổi dậy của Hung và Ba lan trong thập niên 50s chịu ảnh hưởng tư
tưởng hiện sinh Tây Âu. Cuộc nổi dậy ở trung quốc năm 1989 cũng biểu
hiện vận động thanh niên chống lại già nua bảo thủ, của một thế hệ mới hấp
thụ tư tưởng hiện sinh phương Tây, một thế hệ từ bỏ giáo điều cổ hủ, để
đọc Sartre, Beckett, Faulkner, Robbe-Grillet.
Chủ nghĩa Mác đã phát triển theo ba mặt:
- Chủ nghĩa Mác chính thống: tôi không đơn giản quan niệm chủ nghĩa
Mác chính thống thuộc về hệ tư tưởng Mác Xô viết. Tính chính thống ở
đây hàm ngụ một ý thức hệ nắm quyền bính, nó mang những mặt biểu hiện
chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Trốtki.
- Chủ nghĩa xét lại mác xít: thường nêu khởi thủy từ Bernstein. Thật ra,
trào lưu xét lại ở khắp các nước Đông Âu (Nam tư, Tiệp, Ba lan) không
chịu ảnh hưởng bắt nguồn từ Bernstein, nhưng từ tư tưởng phê phán chủ
nghĩa xã hội có quyền bính. Tư tưởng phê phán này xây dựng trên cơ sở
của Marx hàm ngụ hai nghĩa: “Phê phán không ngại đến những kết luận về
bản thân nó, cũng như không ngại xung đột với chính quyền lực” (Marx).
- Chủ nghĩa Mác Tây Âu qua ba thế hệ: giai đoạn Lukács và Kark
Korsch. Lukács từng bị lên án theo chủ nghĩa xét lại, song ngay từ tham
luận viết năm 1919, ông đã đặt vấn đề chính thống với quan niệm: “Tính
chính thống mác xít không phải là bảo vệ truyền thống, nó là người tiên tri
thường hằng cảnh giác chỉ ra mối quan hệ giữa những nhiệm vụ của hiện
tại trước mắt và toàn bộ quá trình lịch sử.” Giai đoạn thứ hai với trường
phái Frankfurt ở Đức và Gramsci ở Ý. Giai đoạn thứ ba với những người
hiện sinh đi theo chủ nghĩa Mác như Sartre và Merleau-Ponty hay những
người mác xít cực đoan như Althusser ở Pháp, Della Volpe và Coletti ở Ý,
Habermas (giai đoạn đầu) ở Đức.
Bên cạnh ba trào lưu bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác nói trên, những lý luận
hội tụ và xã hội hậu công nghiệp cũng góp phần vào việc phê phán chủ
nghĩa cộng sản. Những đóng góp của lý luận hội tụ trong những thập niên