Kinh Nghiệm Phê Phán. Đó là sự phân cách rõ rệt giữa chủ nghĩa duy tâm
và chủ nghĩa duy vật, quan niệm chỉ có một thực tại là thế giới vật chất, khả
thị cảm xúc, tư duy và ý thức của con người là sản phẩm của óc, bộ phận
vật chất. Engels viện dẫn Feuerbach để xác định một chủ nghĩa duy vật với
quan niệm “vật chất không phải là một sản phẩm của tinh thần, nhưng
chính tinh thần là một sản phẩm cao nhất của vật chất. “ (Die Materie ist
nicht ein Erzeugnis des Geistes, sondern der Geist ist selbst nur das hochste
Produkt der Materie. )
Sự phát hiện và xuất bản tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học năm 1844,
cũng như Hệ tư tưởng Đức chỉ được thực hiện sau thời đại của Kautsky và
Lênin, đã mở ra một con đường mới phát triển nhận thức về chủ nghĩa
Mác- sự phát hiện quan trọng này khiến nhiều học giả đặt vấn đề về thái độ
của Engels đối với những tập bản thảo mà ông là người có trách nhiệm sở
hữu. Quả thực Engels đã xác định lập trường trong lời mở đầu tác phẩm
dẫn trên (Ludwig Feuerbach und der Augang der klassischen deutschen
Philosophie) đề ngày 21 tháng hai năm 1888: “Phần viết về Feuerbach
không nghiêm túc. Phần hoàn tất nhằm trình bày quan niệm duy vật lịch sử
chứng tỏ kiến thức về lịch sử kinh tế của chúng tôi trong giai đoạn này
thiếu sót. Nó không có phần phê phán học thuyết Feuerbach, vì thế nó
không cần thiết trong mục đích hiện nay. “ Đó là nguyên do Engels đã giữ
lại bản thảo Hệ tư tưởng Đức (viết chung với Marx, mà phần lớn là công
trình của Marx) để cho ra đời tác phẩm L. Feuerbach và Sự Cáo Chung của
Triết Học Cổ Điển Đức.
Nếu so sánh giữa hai bản văn, phần luận về Feuerbach trong Hệ Tư Tưởng
Đức và phần tóm lược trong tác phẩm dẫn trên của Engels, không có điểm
chung nào cả. Tuy Engels có viện dẫn ý kiến của Marx trong lời mở đầu tác
phẩm Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học xuất bản năm 1859, nội
dung đoạn văn của Marx cũng chỉ ra rõ ràng là vì “tình thế thay đổi nên tác
phẩm đã không được in ra,” nhưng Marx cũng nhấn mạnh đã hoàn tất được
mục tiêu chính là “tự soi sáng làm cho dễ hiểu” quan điểm của họ đối lập
với quan điểm ý thức hệ của triết học Đức trong khoảng mùa xuân năm
1845.