Lịch sử ở đây không phải theo ý nghĩa của Marx dẫn ra ở trên, thăng hoa
trong lịch sử con người - mà ở đây là một lịch sử tự nhiên, với toàn bộ thực
tại là vận động phát triển không ngừng của vật chất theo những quy luật
chung của biện chứng. Engels nhận định trong tự nhiên có những lực tác
động mù quáng không có ý thức và quy luật chung của biện chứng diễn ra
trong tác động qua lại này. Cho nên trong lịch sử xã hội, dầu con người
hành động một cách ý thức, có chủ đích nhất định, điều đó cũng chỉ quan
trọng cho việc nghiên cứu lịch sử những đặc tính và thời đại cá biệt, song
quá trình diễn biến của lịch sử vẫn xác định bởi những quy luật chung nội
tại.
Engels cũng khẳng định một quan điểm duy vật về tự nhiên “. . . không là
gì khác hơn quan niệm về tự nhiên một cách tự tại, không thêm bớt gì ở bên
ngoài vào. “ Những điểm chính yếu trong lý luận biện chứng về tự nhiên
của Engels có thể tóm lược như sau:
1. Tính thuần nhất của thế giới căn cứ vào tính vật chất của nó.
2. Những hình thái cơ bản của mọi hiện hữu ở bên ngoài không gian và thời
gian.
3. Vận động là phương thức hiện hữu của sự vật. Tự nhiên là một phức hợp
bao gồm những quá trình, với vô số những hình thái biến đổi.
Trong Biện Chứng của Tự nhiên, Engels đã lập lại những quy luật biện
chứng của Hegel:
- Quy luật biến đổi từ lượng sang chất và ngược lại.
- Quy luật tác động qua lại của những mặt đối lập.
- Quy luật phủ định của phủ định.
Sự khác biệt với Hegel, theo Engels, ở chỗ Hegel quan niệm những quy
luật trên là quy luật của tư duy trong khi những quy luật biện chứng này là
những quy luật thực sự của phát triển tự nhiên và do đó có giá trị trong mọi
khoa học tự nhiên.
Trong Chống Duhring, Engels cũng đã viện dẫn Marx để bảo đảm cho quan
niệm triết lý duy vật này: “Khi Marx định nghĩa quá trình là phủ định
không phải Marx thử chứng nghiệm tính tất yếu lịch sử của nó, mà ngược
lại sau khi chứng tỏ về mặt lịch sử, quá trình đó diễn ra và cũng có thể diễn