tỏ hiện tượng tha hóa nhất định trong xã hội TBCN vẫn còn tồn tại trong xã
hội XHCN, đồng thời nó lại chỉ ra đặc tính nội tại của tha hóa trong lao
động, nghĩa là một mặt của tự nhiên.
Lưỡng luận thứ hai không phải chỉ phân biệt tha hóa kinh tế với những mặt
biểu hiện chính trị, xã hội của tha hóa, phân biệt mặt thực tại của tha hóa
với mặt tinh thần của tự thức bị tha hóa, nhưng còn chỉ ra tác động giữa lực
lượng xã hội với quan hệ xã hội, giữa cá nhân và xã hội, sự hàm hồ giữa
những quan hệ kinh tế và những định chế xã hội, mặt lý luận và thực tiễn,
khi Marx quan niệm triết học là đầu não của giải phóng con người (der
Kopf dieser Emanzipation ist die Philosophie), trong khi giai cấp vô sản là
lực lượng thể hiện.
Những lưỡng luận trên đây chỉ ra mối quan hệ giữa tư tưởng Mác ở thời
đại của ông và những vấn đề đặt ra sau Marx ở thế kỷ này, sự hiện diện của
con người trong xã hội, dưới bất kỳ hình thái xã hội nào, tính cách áp bức
của xã hội và tự nhiên có thể bị tiêu hủy v. v. . . . Đặt để vấn đề tha hóa còn
hàm ngụ giải pháp vượt lên khỏi tha hóa, cho nên Marx hy vọng: "Chúng ta
biết hình thái mới của sản xuất xã hội, để hoàn thiện đời sống, chỉ cần con
người mới," như ông viết trong Die Revolution von 1848 und das
Proletariat. Làm thế nào để xây dựng con người mới - những người cộng
sản hiện đại tưởng đã đặt đúng vấn đề, vì một lẽ đơn giản, thực hiện cách
mạng xã hội, giải phóng con người thoát khỏi những áp bức của "người bóc
lột người," xây dựng một xã hội mới, "xã hội cộng sản" như niềm mơ ước
của người cộng sản, tất nhiên phải có mẫu người mới với phong thái và
nhãn quan hoàn toàn mới của chiều hướng lịch sử, chấm dứt thời tiền lịch
sử. Nhưng "con người có phải là toàn bộ những quan hệ xã hội?" gắn liền
với những điều kiện thực tiễn của xã hội, của đời sống thực, và những mâu
thuẫn giữa con người/xã hội, tự nhiên/lịch sử, vật chất/tinh thần. . . . Một
nhận thức về con người và những ràng buộc xung đột của cá nhân trong xã
hội và tự nhiên, đó là lý do vấn đề tha hóa cần thiết phải được đặt ra.