Trong ngôn ngữ về tha hóa, Marx dùng những từ như Entfremdung,
Entausserung, Verausserung. Về mặt ngữ nguyên, từ aussern để chỉ tính
biểu hiện, trong khi từ veraussern chỉ tính mại hóa. Ngay trong những bản
văn của Kant, người ta đã thấy sự phân biệt này. Kant viết: "Sự chuyển
nhượng tài sản từ người này qua người khác là mại hóa"(Die Ubertragung
seines Eigentums an einen anderen ist die Verausserung). Trong ý nghĩa đó,
người ta có thể giải thích được đoạn văn sau của Marx trong Zur
Judenfrage: Die Verausserung ist die Praxis der Entausserung (Mại hóa là
thực tiễn của tha hóa). Tha hóa như vậy được phát hiện ngay trên bình diện
kinh tế. Mặt khác, khi phân tích lao tác của con người, Marx đã đưa ra một
ý niệm tha hóa, sự xa lạ (Entfremdung) đối với con người, xã hội và tự
nhiên.
Đối tượng của Marx về tha hóa là con người, không phải chỉ riêng tinh
thần như trong triết học Hegel. Marx viết: Biểu hiện của đời sống con
người (Lebenausserung) là sự ngoại hướng của đời sống
(Lebensentausserung), sự thực hiện nó (Verwirklichung) là sự đánh mất
thực tại (Entwirklichung), là một thực tại tha hóa.
Tuy nhiên khởi điểm của vấn đề vẫn bắt nguồn từ ảnh hưởng của tư tưởng
Hegel trong thời đại. Chẳng hạn khởi điểm suy tư của Feuerbach từ hình
ảnh con người bị tha hóa trong hình ảnh con người tạo ra. Tha hóa tôn giáo
là một ý niệm Marx đã thừa hưởng từ học thuyết Feuerbach, khi Feuerbach
áp dụng khái niệm tha hóa của Hegel vào sự khách thể hóa của con người
(con người đã tự biến thành khách thể, đối tượng của ý thức, và Thượng đế
chính là sự phóng chiếu của con người trong vận động khách thể này).
Feuerbach đã đưa phạm trù tha hóa từ mặt ý thức áp dụng vào bình diện
nhân loại. Marx không giới hạn ý niệm tha hóa trong chiều hướng tự nhiên
đó, ông phê phán lý luận tôn giáo của Feuerbach không xiển minh được vị
thế của con người trong thế giới, quan niệm về bản chất con người theo
Feuerbach chỉ là một trừu tượng cố hữu trong con người cá thể riêng biệt,
trong khi bản chất đó là một toàn bộ những quan hệ xã hội. Đó là sự khác