Đặng Phùng Quân
Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít
Chương 4
Tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác vẫn là bộ Tư bản. Marx đã giành phần
lớn cuộc đời cho việc nghiên cứu và hoàn tất tác phẩm này. Quả thật nếu
chủ nghĩa Mác không có cơ sở của Tư bản, nó đã bị rơi vào quên lãng như
nhiều học thuyết xã hội khác. Việc nghiên cứu kinh tế chính trị xuyên suốt
những tác phẩm của Marx qua ba giai đoạn (từ Bản thảo Kinh tế và Triết
học 1844, Sự nghèo nàn của Triết học (1847), Những nguyên lýphê phán
kinh tế chính trị học (1857/58), đến ba quyển Tư bản (1867/1885/1894))
cho thấy: phải chăng Marx như một triết gia đã chọn lĩnh vực kinh tế làm
mặt chủ yếu (thông thường triết gia đều chọn một đối tượng chủ đạo trong
học thuyết của mình) cho nên có người quan niệm Marx đã đưa ra những
phân tích hiện tượng luận, hoặc hiện sinh về Kinh tế học, mặt khác có
người cho rằng Marx đã đi vào con đường nghiên cứu kinh tế với tư cách
một nhà kinh tế học thuần túy (những phân tích giá trị, trao đổi, bóc lột, giá
trị thặng dư và lợi nhuận thuần tuý được xét về mặt kinh tế, không chứa
đựng suy luận triết lý).
Những mặt đối lập này chỉ ra việc đọc Marx có những nghịch lý không
thể hòa giải. Về điểm thứ nhất, Marx với những nghiên cứu kinh tế chính
trị vẫn còn chịu ảnh hưởng Hegel (kể cả những vấn đề kinh tế trong học
thuyết Hegel), phân biệt với những nhà kinh tế cổ điển Anh, song nhận
định về Marx như vậy phải chăng mâu thuẫn với chính lập trường của
Marx đã đề ra trong Luận cương Feuerbach 11 (là đoạn tuyệt với một viễn
tượng triết học chỉ đi giải thích thế giới, thay vì biến đổi nó). Mặt khác
quan niệm Marx với những nghiên cứu thuần tuý kinh tế là xác định Marx
đã dứt khoát với triết học để chọn lựa thuyết tất định kinh tế cũng mâu
thuẫn với một Marx ngay trong đầu bài Tựa quyển I Tư bản (1867) đã viết
"tác phẩm này là một công trình tiếp nối tác phẩm Góp phần phê phán kinh
tế chính trị học xuất bản năm 1859" và cuối cùng ông khẳng định "hoan