"cơ sở có khả năng nhất để trả lời câu hỏi làm thế nào quyền lực này có thể
gia tăng". Một phân tích như vậy đòi hỏi khởi sự đánh giá về những đấu
tranh thực sự của giai cấp công nhân: nội dung những cuộc đấu tranh, làm
thế nào có thể phát triển và đi về đâu. H. Cleaver dẫn ra khuynh hướng
Johnson-Forest, nhóm mácxít tập trung quanh tạp chí Socialisme ou
Barbarie(1944-1965) và nhóm tả phái mới ở Ý với những tổ chức như
Potere Operaio, Il Manifesto và Lotta Continua, những nhà lý luận như
Panzieri, Montaldi, Bologna, Tronti và A. Negri. Những tư tưởng mới này
nhằm chỉ ra vai trò tự trị của cuộc đấu tranh công nhân trong lòng tư bản,
nhấn mạnh đến sự đối lập giữa tư bản sử dụng giai cấp công nhân như một
lực lượng lao động thuần tuý và sự đấu tranh công nhân tự khẳng định như
một giai cấp tự tại độc lập, phá vỡ hệ thống tự tái sản xuất của tư bản.
Chiều hướng này chú trọng đến lý luận về khủng hoảng của Marx, chỉ ra sự
khủng hoảng tư bản chỉ có thể giải thích thông qua những quan hệ tiềm lực
giai cấp, một bên sự đấu tranh của giai cấp công nhân áp đặt sự khủng
hoảng trên tư bản, mặt khác tư bản nỗ lực biến cuộc khủng hoảng thành vũ
khí chống lại giai cấp công nhân để tái lập quyền thống trị.
H. Cleaver dẫn lời Marx để chỉ ra không những Marx quan niệm tư bản là
một quan hệ xã hội về những giai cấp, ông còn minh thị trên bình diện giai
cấp, những quan hệ kinh tế thực sự là những quan hệ chính trị:
"Mọi vận động trong đó giai cấp công nhân xuất hiện như một giai cấp
chống lại những giai cấp thống trị và mưu toan kiềm chế chúng bằng áp lực
từ bên ngoài là một vận động chính trị. Chẳng hạn nỗ lực trong một công
nghiệp đặc biệt nhằm áp lực tư bản đình công đòi hỏi thâu ngắn ngày làm
việc là một vận động thuần tuý kinh tế. Song vận động nhằm đưa ra luật đòi
hỏi làm việc tám giờ một ngày là một vận động chính trị. Và theo đường lối
này, ngoài những vận động kinh tế riêng biệt của công nhân còn có một vận
động chính trị, có thể coi như một vận động giai cấp với mục tiêu hoàn tất
những lợi ích trong một hình thái chung, trong một hình thức có sức mạnh
xã hội thúc bách chung"(Thư cho Bolte ngày 23/11/1871).
Tóm lại đọc Tư bản có tính cách chính trị chỉ ra hai giai đoạn: