PHÊ PHÁN HỆ TƯ TƯỞNG MÁC-XÍT - Trang 87

Những hoàn cảnh xã hội diễn ra sau Marx đã chứng thực những nguyên lý
của Marx đề ra không ứng dụng vào thực tế, không giải thích được sự xuất
hiện của những cuộc đấu tranh lịch sử và biến đổi xã hội hiện đại. Quả thực
cấu trúc kinh tế của một thời đại nhất định không giải thích được hiện trạng
của thời đại này, ông chỉ có thể lý giải được những biến đổi của thời đại
trước nó. Như vậy chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ có tính lý giải, không phải
là giải thích tất định hay nhân quả một chiều.Lý giải sự kiện xã hội,lịch sử
có tính cách hấp dẫn về mặt tuyên truyền, không phải là những dự kiến tất
yếu cho vận động lịch sử như Marx quan niệm. Do đó, những hiện tượng
cách mạng năm 1917 ở Nga, "việc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại một nước"
không phải tuân theo những nguyên lý tất định của chủ nghĩa duy vật lịch
sử.
b.Quan niệm đấu tranh giai cấp như nguồn động lực của lịch sử cũng xây
dựng trên cơ sở tất định của chủ nghĩa duy vật lịch sử.Ở đây tôi không bàn
về những khái niệm khác nhau trong từ ngữ "giai cấp" Marx sử dụng.Về
mặt ý thức hệ, một định nghĩa đơn giản nhất dẫn ra trong Hệ tư tưởng Đức
là "những cá nhân khác nhau chỉ tạo thành một giai cấp khi họ có một trận
tuyến chung chống lại giai cấp khác" - điều này hàm ngụ giai cấp tạo ra
những mâu thuẫn ý thức hệ, cũng như nếu không có ý thức hệ chung thì
không phải là giai cấp. Tuy nhiên, Marx cũng nhận xét: "Sự xuất hiện giai
cấp là một sản phẩm của tư sản" và mục tiêu nghiên cứu của ông nhằm chỉ
ra sự hiện hữu của những giai cấp gắn liền với "một giai đoạn lịch sử đặc
thù trong lịch sử sản xuất" và khẳng định lịch sử xã hội cho đến nay là lịch
sử đấu tranh giai cấp. Trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx khái
quát hóa cuộc đấu tranh giai cấp này phân chia hai giai cấp đối kháng: tư
sản và vô sản.Trong Đấu tranh giai cấp ở nước Pháp (1850), Marx đã nêu
ra chuyên chính vô sản là một điểm quá độ không thể tránh khỏi, dẫn đến
sự thủ tiêu khác biệt giai cấp nói chung, xóa bỏ toàn bộ những quan hệ sản
xuất là cơ sở của sự phân chia giai cấp này, dẫn đến sự xóa bỏ toàn bộ
những quan hệ xã hội tương ứng với những quan hệ sản xuất này, dẫn đến
cách mạng hóa "toàn thể những tư tưởng rút ra từ những mối quan hệ xã
hội này".

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.