- Cháu hiểu điều bác nói - giọng An hơi to, pha chút bực dọc – cháu sẽ tâm
sự điều trở ngại với Hằng, không muốn thúc ép em điều gì. Bác có thể yên
tâm, tuỳ thuộc ở Hằng, cháu không có quyền ép buộc.
Châm lửa hút điếu thuốc mới, trán hằn những nếp nhăn, nét mặt ba Hằng
căng thẳng, ông lựa lời:
- Bây giờ tôi sẽ nói cái điều rất khó nói, phải thông cảm cho tôi. Chính vì
cái điều này mà Hằng biên thư gọi anh về đấy.
An ngước mắt nhìn, vẻ chăm chú, nói:
- Bác đừng e ngại, cháu xin lắng nghe.
- Là quân nhân không phải chỉ có nỗi cực nhọc, xa nhà mà còn một điều hết
sức đáng lo ngại – ông dừng lại giây lát, vẻ trầm ngâm:
- Bác băn khoăn điều gì ạ?
- Như anh biết đấy, chiến cuộc có chiều lan rộng, chiến tranh thật là đáng lo
ngại. Quân nhân phải đánh nhau ở nơi súng đạn bời bời. Ai mà nói trước
được điều gì sẽ xảy ra. Người anh hùng dũng sĩ cũng thua hòn tên mũi đạn,
kẻ hèn nhát cũng khó tránh khỏi bom rơi. Thật là tàn nhẫn, chết choc đêm
ngày rình rập .
Đôi lông mày An nhíu lại bởi sự suy nghĩ của anh:
- Cháu hình dung được những điều bác nói. Nhưng chiến trường cần sự
hiện diện của chúng cháu - bỗng nhiên An thao thao nói về nhiệm vụ người
lính như lên lớp với thuộc cấp - người lính giáp mặt với kẻ thù giữa trận
tuyến là để giữ gìn cuộc sống bình yên cho dân, cho nước, cho chính nghĩa
quốc gia. Phải gục ngã giữa chiến trường không đáng xấu hổ - An không
hiểu vì cớ gì mà mình hùng hồn đến thế. An lại áy náy, không biết như thế
có lỡ lời với ba của Hằng không.
Ba của Hằng chuyển giọng tâm tình nhằm thuyết phục An. Ông thay từ
“anh” bằng từ An cho gần gũi:
- An ạ! Tôi muốn điều tốt đẹp cho cả Hằng và An.
- Dạ.
- Tôi dự định chạy chọt lo lót để An rời quân ngũ , về Sài Gòn. Việc này
tuy là khó khăn nhiều bề, nhưng có mối quan hệ quen biết lại không ngại
tốn kém nên tôi tin là làm được.