Dừng lại giây phút, nhấp ngụm cà phê đá, hít hơi thuốc PallMall, tàn lửa
lập lòe, An như đang đắm mình với suy tư về cuộc chiến. Anh tiếp tục
mạch chuyện, đôi lông mày nhíu lại, lời nói chậm rãi, rành rẽ. Chú đã biết,
chiến tranh lan rộng ra cả miền Bắc dù rằng quân đội Mỹ đã rút khỏi miền
Nam theo cam kết Pari nhưng, để làm suy yếu đối phương, gây sức ép tối
đa, máy bay Mỹ tiến hành đánh thẳng vào Hà Nội bằng B52. Những cây
cầu lớn ở miền Bắc như Long Biên, Hàm Rồng và con đường chiến lược ở
bắc Trung bộ, dọc Trường Sơn vẫn là mục tiêu bị đánh phá dữ dội bằng
bom tạ bom tấn. An nhấp ngụm cà phê, trầm ngâm, nét mặt hơi căng thẳng,
thoáng lộ vẻ thất vọng, giọng như chùng xuống:
- Vậy mà ở miền Nam, Việt cộng vẫn tăng cường sức mạnh chiến trường cả
vũ khí và quân số. Những cuộc giao tranh dữ dội trên chiến trường không
có dấu hiệu thuyên giảm.
- Chú cầu mong chiến tranh mau kết thúc.
- Ai cũng mong như vậy. Chiến cuộc kết thúc sớm hay muộn cháu không
tiên đoán nổi. Có lẽ nó sẽ còn đẫm máu hơn.
- Vì sao vậy?- Chú Hòa lắc đầu thở dài.
- Vì đây là cuộc vật lộn sinh tử, một mất một còn, không khoan nhượng
giữa những người theo lý tưởng quốc gia chống Cộng ở miền Nam và
những người theo lý tưởng Cộng sản ở miền Bắc.
B52 đánh phá miền Bắc không đem đến niềm vui cho Hòa và An, chỉ làm
cho cả hai băn khoăn lo ngại. Bởi một lẽ đơn giản, nơi ấy có những người
ruột thịt, có những thân nhân quyến thuộc của họ. Trên đời này, không một
ai mong muốn cha mẹ, anh em mình hứng chịu bom đạn chết chóc, dù rằng
họ ở trận tuyến đối lập, khoác trên người lý tưởng gì đi chăng nữa.
Cả hai chú cháu đã nhiều lần nghe BBC và đài phát thanh Tiếng nói Việt
Nam phát đi từ Hà Nội, hai người biết tường tận về mức độ tàn phá hủy
diệt của B52. Không chỉ Hà Nội, Hải Phòng bị đánh phá mà Nam Định,
Quảng Ninh... cũng bị hàng trăm, hàng ngàn tấn bom đạn của bao nhiêu