vợ con. Cảnh nhà càng sa sút. Bà Chánh goá chồng, ở vậy nuôi đàn con dại,
phải thường xuyên đối diện với bom đạn của giặc Pháp càn quét xóm làng.
Bởi vậy, gương mặt bầu bầu của bà quanh năm rầu rầu, ánh mắt buồn bã
sầu muộn như không bao giờ còn muốn nở nụ cười trước cuộc đời.
Viên sĩ quan Pháp hất hàm, hỏi bằng tiếng Pháp:
- Ông chủ nhà này làm gì? Có ở nhà không?
- May mắn quá, Hoà đủ vốn từ tiếng Pháp để hiểu thằng Tây kia nói điều
gì. Anh trả lời lưu loát:
- Cha tôi trước năm 1945 làm Chánh Huyện. Chẳng may ông lâm bênh
hiểm nghèo nên đã qua đời.
Đưa tờ giấy chứng tử cho viên trung uý, anh rơm rớm nước mắt, Hoà
không khỏi lo lắng thấp thỏm.
Đọc lướt nhanh giấy chứng tử, ngước nhìn tấm ảnh lớn lồng trong khung
với mũ áo chỉnh tề của ông Hào, chụp thủa còn đương chức đương quyền,
treo chính giữa gian nhà, nó như xác minh cho điều Hoà nói. Viên sĩ quan
Pháp chừng như biết rằng gia đình này không phải là thân nhân của du
kích. Bây giờ thì hắn nhìn Hoà chằm chặp, vẻ ngạc nhiên. Không thể ngờ
một thằng bé Việt Nam ở chốn thôn quê lại nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ của
hắn. Đôi mắt xanh lét của hắn dịu lại, như pha màu nước biển. Dắt khẩu
súng ngắn vào bao, nó xoa đầu Hoà, nở nụ cười thân thiện rồi móc túi cho
Hoà chiếc kẹo. Hoà nhoẻn miệng cười, nói lời cảm ơn bằng tiếng Pháp
đúng ngữ điệu “méc-xi”. Viên sĩ quan hỏi:
- Mày học lớp mấy?
- Thưa ngài, tôi học lớp đệ tam trường Hồ Ngọc Cẩn.
Hồ Ngọc Cẩn là trường học lớn ở Bùi Chu, một số sĩ quan Pháp đóng quân
ở Nam Định biết trường trung học này bởi lúc bấy giờ trường trung học có
rất ít ở các tỉnh thành. Viên sĩ quan Pháp gật gật mái đầu tóc xoăn xoăn:
- Tao có nghe tên trường học này.