thì nhỏ dại, liệu mẹ nó có còn đủ sức cho con đến trường không? Khổ thân
anh em chúng nó. Hoà chợt nghĩ tới bố chúng nó. Anh Lễ theo kháng
chiến, nghe nói bị ngã nước, ốm đau liên miên phải tìm đường ra thành thị
chạy chữa rồi xin làm ký lục ở công sở, chịu tiếng “dinh-tê” về với địch.
Giờ này chẳng có tin tức gì và cũng không biết ở nơi đâu, bặt vô âm tín.
Còn mẹ An? Bà đảm đang chịu đựng, tần tảo nuôi con. Cả cái gia đình năm
miệng ăn trông vào bà. Con dâu nhà ông Chánh Huyện chẳng mấy ai vất vả
sớm khuya, chịu thương chịu khó như mẹ An. Qua vụ gặt hái đến ngày
nông nhàn, cũng bởi gánh nặng con cái phải vất vả mưu sinh, bà lặn lội lên
tỉnh cất hang về bán ở cái làng Xuân Giao này để kiếm tiền cho con ăn học.
Nhờ thế, nhà có đồng ra đồng vào, An được cắp sách đến trường. Mẹ An
không than thở về nỗi vất vả nuôi con, cũng không than thở về nỗi một thân
một mình lo toan mọi việc. Tuy nhiên, bà không thể không buồn, bởi vậy
rất ít khi An được chứng kiến mẹ vui. Nụ cười của mẹ thật hiếm hoi.
Những người nặng nề tâm trạng thường ít nói ít cười, như người trầm cảm,
giấu giếm cả giọt nước mắt. Khi có được niềm vui hiếm hoi thì tiếng cười
của mẹ An cũng không rổn rảng. Sau này phải xa mẹ, di cư vào Nam, bao
giờ lòng An cũng trĩu nặng nỗi niềm biết ơn, thương mẹ. Mỗi khi nhớ đến
mẹ thì ám ảnh nhất lại là nụ cười buồn hiếm có của bà.
An vẫn nhớ chuyện mới xảy ra cách đây dăm ngày. Ông Húc chỉ huy du
kích xã, dáng người thâm thấp, vậm vạp, môi dầy, lông mày đậm, tiếng nói
oang oang đến nhà gặp mẹ An. Ông mang theo khẩu súng trường trung
chính, tựa súng trước cửa như muốn khẳng định uy quyền của vị chỉ huy.
Mắt ông nhìn xoáy vào mắt người tiếp chuyện, giọng ông gay gắt giáng
đòn phủ đầu:
- Chúng tôi biết, bà vẫn thường xuyên lên tỉnh thuộc vùng kiểm soát của
giặc Pháp mua hàng của chúng về đây bán kiếm lời, như thế là tiếp tay cho
địch đấy.
Không thể nhẫn chịu người ta ghép cho mình vào tội trạng “tiếp tay cho
địch”. Tiếp tay cho địch nhục nhã lắm. Mẹ An nhìn thẳng vào đôi mắt