giữ nữa đâu, cố mà học hành…”. Mẹ cho An mấy chục bạc, An cầm rồi trả
lại, nói: “Mẹ giữ lấy để nuôi các em con…”.
***
Sau chặng đường hành trình một tuần trên biển, tàu há mồm cập bến cảng
Sài Gòn. Ai cũng lộ vẻ mệt mỏi bởi vừa trải qua chặng đường biển dài gần
hai nghìn cây số. Mắt trũng sâu, mặt mũi phờ phạc hốc hác vì say sóng, vì
ăn uống kham khổ thiếu rau xanh, ít nước uống và còn vì sinh họat bó buộc
trên tàu như tù đầy. Tuy nhiên ai nấy vô cùng phấn khích vì tàu đến bến.
Vui như vừa trút được gánh nặng đường trường. Nụ cười đã nở trên môi,
ánh mắt mọi người rạng rỡ.
Trời Sài Gòn nắng chang chang, từng làn gió sông, gió biển thi thoảng ào
đến nhưng không đủ mạnh để xua đi cái nóng. An và đoàn người di cư
được dẫn tới khu lều bạt dựng tạm dùng làm nơi tiếp đón đồng bào di cư.
Trong lều, nóng ngột ngạt với đoàn người lôi thôi nhếch nhác. Nồng nực
hơi người quện với mùi mồ hôi.
Được uống cốc sữa bột do các nhà chức trách cấp phát, mồ hôi càng túa ra.
An được đưa tới trạm tạm cư này cùng đoàn người vừa rời tàu lên cảng đến
đây. Nghe người ta mách bảo, anh lại tìm đến trại tạm cư khác với hy vọng
điều kiện sinh hoạt khá hơn.
Ai cũng được phát mười đồng trợ cấp một ngày, chỉ đủ ăn hai bữa lưng
lửng bụng. Bệnh viện Bình Dân đường Phan Thanh Giản, trường Tôn Thọ
Tường đường Trần Hưng Đạo, nhà thờ Huyện Sĩ, trường Giáo lý và một
vài cơ sở công quyền đều trở thành trại tạm cư. Trại nào cũng đông nghẹt
người di cư tá túc. Ai nấy chen chúc nhau từ trong nhà đến ngoài hành
lang, thật khó tìm được chỗ để trải trọn vẹn manh chiếu. Tầng trên, tầng
dưới và ngay cạnh cầu tiêu, nơi nào có thể ngả lưng để kiếm giấc ngủ qua
đêm là đã có người chiếm chỗ.