nao buồn, phút giây nao lòng, khắc khoải nhớ mẹ, Hòa buột miệng kêu:
“Mẹ ơi! Con giã từ đất Bắc”. Nước mắt anh ứa ra nhiều, tràn hai gò má.
Sau ngày di cư vào miền Nam, ở tại Sài Gòn, nhờ có bằng Tú tài I Hòa dễ
dàng xin vào học lớp đệ nhất để rồi thi Tú tài II. Còn An, anh xin theo học
lớp đệ lục trường trung học Chu Văn An. Khó mà nói hết niềm vui của học
sinh như Hòa và An khi lại được cắp sách đến trường. Đã qua rồi cái chặng
phải bơ vơ giữa ngã ba đường bởi thời cuộc tác động và đổi thay đến chóng
mặt. Cuộc hành trình cập bến học đường phải qua đoạn đường dài hàng
ngàn dặm, phải biền biệt xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân
yêu. Không biết có còn ngày nào để được gặp lại nữa không. Hai chú cháu
đã nhỏ không ít những giọt nước mắt đau buồn và cả lo âu cùng những băn
khoăn về con đường phía trước.
Khi niềm vui đủ độ thăng hoa, người ta có nhu cầu tâm lý cần được chia ắẻ.
Hòa và An muốn báo tin vui với mẹ mình ở đất Bắc rằng con đã được tựu
trường. Và nữa, lúc này hai chú cháu cũng nóng lòng muốn biết tin tức của
gia đình. Hai người ra bưu điện mua hai tấm bưu thiếp. Bưu thiếp là
phương tiện thông tin duy nhất của dân chúng hai miền Nam Bắc, thay cho
thư tín. Nó được phát hành ở bưu cục hai miền, được lưu hành từ ngày
Nam Bắc chia đôi, tồn tại trong vòng hai năm trời. Tờ bưu thiếp để ngỏ hai
mặt, màu vàng nhạt, làm bằng chất liệu như tờ bìa, dài 15cm, rộng 10cm, in
hình bản đồ Việt Nam. Dòng đầu tiên của tờ thiếp in lời khuyến cáo của
nhà đương cục hai miền. Người viết bưu thiếp chỉ được quyền thông tin đời
sống, sức khỏe gia đình, không được phép thông tin chính trị xã hội. Ai viết
trái với điều đã khuyến cáo, bưu thiếp ấy sẽ bị loại bỏ. Chỉ duy nhất ở Việt
Nam, ngày ấy có phương tiện “thư tín”- bưu thiếp độc đáo này. Quyền tự
do thư tín đích thực không có cơ sở để tồn tại ở cái đất nước mà hai miền là
hai chế độ xã hội, chính trị đối kháng nhau, mang tên hai quốc gia độc lập:
Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam cộng hòa ở miền
Nam. Duy chỉ có người dân lương thiện là phải tuân thủ chịu đựng. Muốn
thông tin được nhiều trên tờ bưu thiếp bé nhỏ, chữ viết phải nhỏ như con