anh ấy bị tịch thu. Đầu óc Hòa cứ rối lên như bát canh hẹ. Điều mẹ viết khó
suy luận, khó giải hơn là một bài toán hóc búa. Rồi, cả hai chú cháu trở nên
lặng lẽ với suy nghĩ của riêng mình, chẳng còn muốn suy luận theo chiều
buồn bã, vô bờ bến. Hố thành kiến ngăn cách với chế độ miền Bắc nới rộng
thêm trong lòng hai chú cháu.
Sau khi chú Hòa nhận được thiếp mười ngày An cũng nhận được tờ bưu
thiếp của mẹ gửi vào. Mẹ và các em vẫn bình an làm cho anh yên lòng. Bây
giờ mẹ làm công nhân mỏ, không còn gọi là phu mỏ như trước nữa. Tờ bưu
thiếp mẹ viết có đoạn nghe là lạ: “Ruộng đất và vườn thổ nhà ta ở quê được
trưng thu, trưng mua”.
An chẳng hiểu trưng thu, trưng mua là thế nào. Cặp lông mày của anh nhíu
lại với những suy nghĩ của mình. Thế rồi, anh lật từ điển để tra cứu nghĩa
gốc của mấy chữ ấy, nhưng tìm mỏi mắt mà không thấy từ “trưng thu”,
trưng mua” đành phải bó tay. Anh thầm trách mấy nhà làm từ điển đã
không đưa vào cuốn sách những từ cần tìm hiểu. Hòa và An không thể biết
rằng, ruộng đất bị trưng thu, trưng mua trong cải cách ruộng đất sẽ được
bồi thường chút ít, bồi thường bằng những thùng thóc tẻ. Đất đai, ruộng
vườn của địa chủ, phú nông bị trưng mua, trưng thu hoặc tịch thu. Tịch thu
là mất trắng. Tờ thiếp của mẹ còn cho An biết, Bá Hoán chị ruột của mẹ
anh cũng đã di cư vào Nam trên chuyến tàu há mồm cuối cùng rời bến cảng
Hải Phòng.
Mấy tháng trời An cất công tìm Bá Hoán. Anh đặt ra thời gian biểu của
việc tìm kiếm. Nhờ các buổi chiều không phải đến trường học, An dành các
buổi chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu cho việc tìm Bá. Các buổi chiều khác đi
bán báo hoặc học võ thuật để phòng thân. Anh tìm đến trại tạm cư này rồi
trại tạm cư khác ở trong và ngoài đô thành Sài Gòn bằng bàn chân cuốc bộ
dẻo dai của mình. Người ta ân cần hỏi anh, bà ấy là người tỉnh nào, bao
nhiêu tuổi, dáng người thế nào, mang họ gì? Vì ở các trại tạm cư thường là
tập trung người ở nhiều tỉnh thành khác nhau ở miền Bắc vào. Có người ở
Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, lại cũng có người ở Ninh Bình, Hải Dương,