buổi chiều An thường ra phố bán báo. Hòa ra cổng trại, đứng chờ cháu.
Giờ này học sinh trại Phú Thọ lẻ tẻ trở về, ngực áo phanh ra vì nóng bức.
Sáng đến lớp, buổi chiều học sinh trung học có mặt ở khắp các địa bàn
trong thành phố. Người bán kem, kẻ bán báo, làm gia sư, phụ việc rửa ảnh.
Ai may mắn được nhận làm kế toán trong nhà hàng. Tiền kiếm được dành
để mua áo quần sách vở. An trở về trại vào lúc phố xá đã giăng giăng
những ngọn đèn. Về muộn như vậy bởi người ta thường mua báo sau buổi
đi làm trở về nhà. Gặp An, chú Hòa nói, học sinh trung học như cháu, ai
không nhận được sự trợ giúp của gia đình đều lâm vào cảnh thiếu thốn
nhiều bề, phải lăn lộn kiếm thêm đồng tiền. Chú hiểu rõ điều này. Nhìn bộ
quần áo An đang mặc dính dấp mồ hôi, ánh mắt Hòa rưng rưng, lộ rõ vẻ ái
ngại thông cảm. Chú chậm rãi nói tiếp, bây giờ chú may mắn hơn cháu, đã
được hưởng lương cán sự. Việc chi tiêu không phải chi li tính toán. Hòa rút
ví tiền trong túi, lấy ra năm chục đồng, nói, cháu cầm tạm để chi tiêu. An
nhìn chú, ánh mất lộ vẻ xúc động biết ơn. Anh nói, cháu cảm ơn chú, bây
giờ đi bán báo, đã bớt khó khăn hơn trước. Đến khi nào cần chi tiêu lớn,
cháu sẽ xin chú. An không nhận tiền của chú. Hòa nhìn thẳng vào mắt cháu
và biết rằng không nài ép được nó. Lòng tự trọng và ý thức tự lập đang cựa
quậy trong suy tư của nó. Ánh mắt Hòa đượm buồn, nét mặt không vui. Kể
cũng lạ, trên đời này có người không bị mất tiền, không phải chi dùng đồng
tiền cũng buồn. Được dùng đồng tiền đúng nơi đúng chỗ thì vui. Và đặc
biệt là được cưu mang, san sẻ, trợ giúp cho những cảnh ngộ khó khăn, niềm
vui sẽ lớn hơn. Người được thụ hưởng có thể không vui bằng người ban
phát. Giờ đây Hòa nằm trong quy luật chi phối của tâm lý này. Chia tay với
cháu, Hòa mang nét mặt buồn buồn.
***
Ngày cũng như đêm, bước chân ra khỏi trụ sở Đội Cải cách ruộng đất, bao
giờ ông Cành cũng đóng bộ cho tề chỉnh, oai nghiêm. Quần bộ đội, áo đại
cán bốn túi màu cỏ úa, vai đeo xà cột, chiếc dép lốp sáu quai ôm gọn bàn