rồi, bố mẹ mong con thành hôn với anh Cội. Như vậy là con đã cứu vớt gia
đình, cứu vớt bố mẹ đấy.
Thương tròn mắt nhìn bố, ánh mắt ngơ ngác, cô ngỡ ngàng hỏi:
- Bố nói gì lạ quá. Con có làm gì đâu mà bảo rằng để cứu vớt bố mẹ, con
không hiểu nổi.
- Nói ra dài dòng lắm – Ông Thưởng kể vắn tắt cho con nghe chuyện năm
đói Ất Dậu mà gia đình đã xử sự với dân làng. Đầu ông cúi xuống như
người đang nhận lỗi, giọng buồn buồn. Quyền trong tay người ta, nhà mình
bị quy là phú nông thì nhục nhã lắm, đất đai bị trưng mua bằng mấy thúng
thóc. Con đồng ý lấy anh Cội thì… - Ông Thưởng đột ngột dừng lại, tin
rằng con mình đã đủ hiểu.
- Con nào có cảm tình với anh ấy, xấu người, xấu nết quá. Con cũng chưa
vội lấy chồng, ở nhà phụ việc đồng áng để bố mẹ đỡ vất vả. Bố mẹ thương
con thì đừng ép con, phải lấy hạng người như thế, thà chết còn hơn.
Nghe rõ lời than thở và phản ứng gay gắt của con, bà Thưởng mủi lòng lã
chã nước mắt, nói với ông Thưởng: “Đừng ép uổng con, khổ thân nó”. Bà
còn nói cứng, nếu gia đình mình bị quy là phú nông cũng chẳng ngại. Ừ thì
phú nông đấy, sợ ai nao? Ông Thưởng rầu rầu nét mặt, giọt nước mắt lăn
trên gò má. Ông lắc lắc mái đầu vẻ ngao ngán chua xót. Thương đăm đăm
nhìn bố, dõi nhìn giọt nước mắt và gương mặt buồn bã của ông. Lần đầu
tiên trong đời Thương thấy bố khóc, cô động lòng thương cảm. Dạo này
sao mà bố già đi mau quá. Mái tóc chen những sợi trắng, gương mặt lúc
nào cũng đăm chiêu vẻ u uất trong lòng. Mới hơn bốn mươi tuổi mà trông
bố như ông lão. Bất chợt những bài học về tình cha con, tình mẫu tử và
lòng hiếu thảo trong sách Giáo khoa thư mà cô học ngày nào, bây giờ như
nhắc nhở cô. Rồi mông lung suy nghĩ, nhớ đến ngày còn cắp sách đến
trường Trung Linh, hình ảnh bạn học người mà cô thầm yêu vụt hiện lên.
Dáng nét An sống động trong tâm tưởng. Thương thở dài, cặp mất phơn
phớt xanh như thả ánh nhìn vào chốn vô định. Thương nhanh tay làm dấu
thánh Bỗng giọng nói nặng nề của bố cắt đứt dòng suy nghĩ lan man của
cô: