thì tất cả những cái viết ra, làm ra, nghĩ ra ấy nhất định chỉ là bịp bợm và
vô nghĩa. Chỉ có bệnh viện mới chỉ rõ được hết chiến tranh là gì.
Tôi còn trẻ lắm, mới hai mươi tuổi đầu, thế mà chỉ thấy trên đời toàn
những cảnh tuyệt vọng, buồn phiền, chết chóc, xô đẩy những cuộc sống hời
hợt nhất và vô tư nhất xuống vực thẳm của đau thương.
Tôi thấy các dân tộc bị xô đẩy vào cảnh chống đối nhau, chém giết nhau
mà chẳng nói gì, chẳng hiểu gì. Hành động một cách điên cuồng, ngoan
ngoãn, ngây thơ. Tôi thấy những bộ óc thông minh nhất của nhân loại đã
phát minh ra những lý lẽ, những vũ khí để cho cái trò này diễn ra tinh vi
hơn nữa, dai dẳng hơn nữa.
Và tất cả những người vào lứa tuổi tôi, ở đây và ở phía bên kia, trên khắp
thế giới, đều nhận thấy như tôi; đó là cuộc sống của thế hệ tôi, cũng như
cuộc sống của chính tôi. Các bậc cha anh của chúng tôi sẽ làm gì nếu một
ngày kia chúng tôi đứng dậy, đến trước mặt các người và đòi tính sổ... Các
người mong đợi gì ở chúng tôi khi chiến tranh kết liễu. Hàng mấy năm trời
chúng tôi chỉ có việc giết người, đấy là cái nghề nghiệp đầu tiên của chúng
tôi khi bước vào đời sự hiểu biết về cuộc sống của chúng tôi rút lại chỉ còn
là cái chết. Rồi sau sẽ thế nào... Và chúng tôi sẽ ra sao...
Người nhiều tuổi nhất phòng chúng tôi là Lêvanđôpxki. Anh ta bốn mươi
tuổi, nằm nhà thương đã mười tháng nay vì một vết thương nặng ở bụng.
Chỉ có vài tuần nay anh ta mới đi lại được mấy bước, chân khập khiễng,
người cúi gập xuống. Mấy ngày gần đây anh ta rất bồn chồn. Từ cái nơi
hang cùng ngõ hẻm ở bên Ba Lan, vợ anh mới viết thư cho anh là chị ta đã
có đủ tiền tàu để tới thăm anh. Chị đang trên đường đi và ngày một ngày
hai sẽ đến. Lêvanđôpxki ăn chẳng biết ngon nữa. Anh ta chỉ nhấm nháp qua
loa vài miếng rồi cho người khác cả khẩu phần dồi lợn nấu bắp cải đỏ của
anh. Tay cầm lá thư, anh ta đi đi lại lại không ngừng ở trong phòng; chúng
tôi đứa nào cũng đọc cái thư ấy đến chục lần; những cái tem đã bị ngắm