không dùng nhiều. Tôi không chịu được cái nhìn của Anbe, khi nó thấy tôi
đi lại trong phòng. Lúc nào nó cũng nhìn tôi bằng con mắt lạ lùng làm sao...
Vì thế đôi lúc tôi lẻn ra hành lang; Ở đấy, tôi có thể cử động được tự do
hơn.
Tầng dưới là những người bị thương vào bụng, vào xương, bị đạn vào
đầu, và những người cưa cả hai chân. Dãy nhà bên phải là những người bị
thương ở hàm, những người bị hơi ngạt, những người bị thương ở mũi, ở
tai, ở cổ. Dãy nhà bên trái là những người mù, những người bị thương vào
phổi, vào háng, vào khớp xương, vào thận, dạ dày và các bộ phận khác.
Chính ở đây, người ta mới thấy rõ ràng một con người có thể bị thương vào
những chỗ nào.
Hai bệnh nhân chết vì bệnh uốn ván. Màu da xỉn lại tứ chi cứng đờ, chỉ
đôi mắt là còn sinh khí; sự sống bám lấy đôi mắt lâu hơn cả. Nhiều người
bị thương phải treo cái chân đau lên không trung bằng một thứ thòng lọng.
Dưới vết thương để một cái chậu, mủ nhỏ giọt vào đấy. Cứ vài ba giờ,
người ta lại đổ chậu đi. Có người lại nằm với một dụng cụ kéo căng người
ra, và những quả tạ nặng trĩu từ trên giường thả xuống. Tôi thấy những vết
thương ở ruột lúc nào cũng đầy phân. Gã thư ký của bác sĩ cho tôi xem
những phim chụp xương háng, xương đầu gối, xương vai bị dập gãy vụn cả
ra.
Người ta không thể hiểu nổi sao ở những thân hình tàn phế đến thế mà
vẫn còn những bộ mặt con người, và cuộc sống vẫn trôi bình thường trên
những khuôn mặt ấy. Vậy mà đây mới chỉ là một trung tâm y tế mà thôi. Có
hàng chục vạn trung tâm như thế ở nước Đức, hàng chục vạn trung tâm như
thế ở nước Pháp, ở nước Nga. Có những cảnh như thế này thì tất cả những
điều bấy lâu nay người ta viết ra, làm ra, hoặc suy nghĩ, thật là vô ích biết
bao. Nếu nền văn hóa hàng ngàn năm không thể ngăn ngừa những suối máu
như thế đổ ra và lại có hàng chục vạn cảnh tù ngục thống khổ như thế này