vừa không tách rời khỏi những gói thuốc, những chầu bia do Lãm thật tình
tung ra.
Nhà đây rồi. Chao ôi! Phố cũ cảnh xưa, chỉ cách phố nhà binh có vài ba
cái đầu đường mà nơi đây vẫn âm thầm tĩnh lặng quá thể! Nhà kín cổng,
tường kín rào, dãy bàng đứng trầm mặc trong bóng tối. Ngọn đèn dầu bán
thuốc nơi mép hè không có người qua lại. Đến tiếng chó sủa nhà ai cũng tắc
nghẹn hay xì xào như gió. Thì ra cơn bão thị trường dù mạnh dường ấy
nhưng không phải đã thôi thốc được vào tất cả mọi nơi. Nơi nào náo hoạt
thì cực kỳ náo hoạt, nơi nào yên tĩnh thì lại càng yên tĩnh, như là một sự bù
trừ, một nét cân bằng sinh thái của muôn sự ở đời. Như sắc màu và hương
vị cổ kính đất ngàn năm chưa hề mất hết, thậm chí nó còn được cái gam
màu chói chang kia tương phản trở lại để trở nên thâm sâu hơn.
- Anh Lãm này – Tiếng người công an trở nên lắng dịu – Hóa ra mọi sự
buồn vui của những con người, những gia đình của Hà Nội ta lại phụ thuộc
hoàn toàn vào số phận những con đường nhỉ?
- Đường gì? – Anh hỏi nhưng mắt cứ dán vào cái cánh cửa nặng nề đang
sắp sửa bước đến.
- Đường mới mở. Đây nhé, anh đang ở nhì nhằng giữa bãi hoang, giữa
mương máng, suốt đêm nghe toàn tiếng chẫu chàng, trẻ con thò lò mũi chạy
chân đất đến trường; vậy mà đến đùng một cái, một con đường nhựa,
đường cao tốc hai luồng chạy qua, thế là nhà anh trở thành biệt thự, có thể
bán được hàng trăm, hàng ngàn cây. Trong khi đó, nhà khác, đang ở mặt
tiền, buôn bán như hốt của, cũng đến đùng một cái, cái người ta mở rộng
đường, như cái phố ta ở nghe nói cũng sắp mở, thế là mất trắng!
- Này! Có khi ông bỏ nghề chuyển sang làm nghề viết phóng sự được
đấy. Đi nhiều, biết nhiều, lại toàn vùi đầu vào những cảnh đời khuya khoắt,
vốn sống và cảm xúc tha hồ mà bao la, các bố nhà văn thứ thật có ước cũng
chả được.
- Gớm! – Anh công an khịt khịt mũi – Ông Lãm dạo này vui tính ghê,
chỉ được cái đùa dai! Thôi, đến rồi, ông bà vào, tôi lại đi làm tiếp nhiệm vụ