- Dạ – Vẫn tiếng cô con dâu trả lời ngọt lịm – Hai cháu đi học thêm. Chủ
nhật này con sẽ cho chúng đến thăm ông. Thầy, chúng con mang đến biếu
thầy ít thang thuốc bổ đặc biệt, nhà con nhờ người quen cắt ở tận bên Nam
Ninh.
- Ôi dào! Anh chị cứ vẽ chuyện.
Nói vậy nhưng cô con dâu chợt thấy gò má ông giật giật. Biết ý, người
vợ lảng sang giường bà chị chồng ngồi chơi với thằng cháu đang trớn mắt
ra nhìn ông cậu lần đầu đến nhà. Còn lại mình Lãm, anh ngồi xuống cạnh
bố, nói nhỏ:
- Thầy… thầy tha lỗi cho con. Bận quá, mãi đến giờ con mới về thăm
thầy được.
Ông già run run nắm lấy tay con, giọng thoảng đi:
- Thầy mới là người có lỗi. Lỗi lớn lắm nhưng con về được thế này là
thầy mừng, thấy trong người khỏe lại. Thầy biết con không bận đến thế
đâu… Chỉ tại vì con cũng giống thầy, con cố chấp… Yên, để cho thầy nói –
Ông bật ho lên mấy tiếng – Họ nhà mình ai cũng thế nên mới khổ. Mình
muốn khí khái, muốn khư khư giữ lấy cái nền nếp cổ truyền nhưng xung
quanh họ có cho giữ đâu! Những người bề trên có cho mình giữ đâu. Thế là
cha con khục khặc, các gia đình phân ly. Thầy biết mình đã lỗi thời nhưng
thầy vẫn mong…
Lãm cẩn thận đỡ cha ngồi dậy, lấy gối kê lưng cho ông tựa vào thành
giường:
- Thôi thầy ạ, nghĩ mãi đến chuyện ấy làm gì. Nếu cần nghĩ, tụi con chỉ
nghĩ mỗi điều: tại sao cái nhục mất nước ta không chịu được mà cái nhục
đói nghèo lại chịu dễ dàng đến thế? Nghèo là khổ nhục, là hèn, hèn cả
thành phố, hèn cả dân tộc. Như vậy làm sao còn đủ tự trọng để giữ được cái
cổ truyền nữa hả thầy?
Ông bố nhìn chăm chăm vào con giây lâu rồi nhẹ gật đầu: