lời của bà chủ tiệm rõ mồn một như mới hôm qua, và nghĩ bụng: “Chả lẽ bà
ấy nhất định phải bồi câu chết người ấy vào cuối cùng?”
Nhưng rồi, đúng lúc tôi tự nhủ: “Thôi, xong, thế là mình toi hẳn!” thì bố
khiến tôi sững sờ khi cự lại ngay, nhìn thẳng vào mắt bà chủ tiệm và lớn
tiếng: “Thưa bà, sao bà dám gán cho con tôi tội ăn cắp?” Tôi còn ngạc
nhiên hơn, vì sau khi bước rầm rập ra khỏi tiệm, bố không nói thêm nửa lời
về chuyện đó. Thế nhưng, có những lúc, quyền năng của lời không-nói
mạnh mẽ đến kinh người, và việc im lặng có chủ đích của bố cả ngày hôm
đó nói lên rất nhiều điều. Thêm nữa, sự thực là bố đã lập tức xông lên, kịch
liệt bảo vệ sự trong sạch của đứa con nhỡ-tay-ăn-cắp khiến cho tôi cảm
thấy ăn năn hối lỗi và khổ sở hơn nhiều so với trường hợp bố nhiếc móc tôi
ngay trước mặt bà chủ tiệm.
Cách hóa giải tình huống của bố hẳn nhiên đã dạy tôi một bài học gây chấn
động lớn. Không những tôi không bòn rút một xu một hào nào từ bố mẹ
nữa, chuyện hôm đó còn dạy tôi một bài học nhớ đời về sức mạnh của tha
thứ và cho người khác cơ hội thứ hai. Tôi cũng muốn nói rằng tai nạn ấy
còn khiến tôi hiểu ra tầm quan trọng của việc “còn hồ nghi chớ vội kết tội”,
ngoại trừ bố tôi chẳng còn gì phải hồ nghi gì về thực hư sự việc ngày hôm
ấy.
Có những lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng hình ảnh (và việc kinh doanh)
của riêng mình xung quanh những nét kỳ quặc và tính cách lập dị công
khai, dù đó là cứng đầu cứng cổ, chuyên quyền độc đoán hay đơn giản chỉ
là “khác người”. Michael O’Leary, Giám đốc Điều hành Hãng hàng không
Ireland Ryanair có lần miêu tả đối tượng khách hàng lý tưởng của mình là
“ai đó có tính bốc đồng cùng một tấm thẻ tín dụng” và cùng trong bài
phỏng vấn mục “Bữa trưa cùng Financial Times”, O’Leary nhắc đến Cơ
quan Quản lý Sân bay Anh quốc là “Đế chế Ác quỷ” còn Cục Hàng không
Dân dụng Vương quốc Anh là một lũ “ngu si đần độn”. Cho dù không ai có
thể hoài nghi về thành công tài chính phi thường của Ryanair (lần trước tôi