nữa, còn tôi nằm chong chong suốt đêm, cực kỳ ăn năn và thương thân quá
đỗi.
Cuối cùng, chừng giữa ngày hôm sau, vẫn hai viên cảnh sát đêm qua đến xà
lim, chẳng nói chẳng rằng, họ đưa tôi lên tầng, ở đó họ kết luận tôi phạm cả
chục lỗi, bao gồm cả làm mất thời gian của cảnh sát. Họ trao trả tôi sợi đai
áo ngủ và bảo là tôi được thả tự do. Tôi vẫn không rõ chuyện gì đã xảy ra,
nhưng vừa mới bước ra ánh sáng ban ngày, sự tình đã rõ ràng trong tiếng
hò reo vang dội: tiếng hò reo phát ra từ đông đảo nhân viên Virgin Records,
dẫn đầu là Kenny và các anh cảnh sát đứng bên ngoài đồn, họ chúc mừng
tôi được thả tự do bằng một câu reo vang rất quen thuộc của tôi: “Xơi cá rồi
nhá!” Tôi đã bị gài bẫy, rất thê thảm!
Nếu có một trò đùa nào đó quay lại hại tôi te tua thì chính là lần này. Về
sau tôi phát hiện ra rằng khi Ken nói với cảnh sát là vụ trộm chỉ là trò đùa
bị đổ bể của một người bạn, các sĩ quan trực ca không thích thú chút nào.
Đầu tiên họ muốn buộc tôi tội phá hoại và gây tốn thời gian của cảnh sát,
nhưng vì Ken năn nỉ (ít nhất anh ta kể thế), nên họ đồng ý sẽ bỏ qua vụ này,
với một điều kiện: Ken sẽ giúp họ dạy cho gã bạn đồng bóng kia một “bài
học anh ta sẽ không quên ngay được” bằng cách nhốt anh ta vào xà lim đến
trưa hôm sau, khi ngày Cá Tháng Tư chính thức kết thúc. Khỏi bàn, Ken
gật đầu ngay tắp lự, và cho là ý tưởng này tuyệt vời không chê vào đâu
được! Còn cái vụ đánh đấm trong xà lim kế bên – cũng là do nhân viên của
Virgin dàn dựng hết.
XẤU XA VÔ HẠN ĐỘ
Tôi đoán sau một bài học nhớ đời như thế, dám chắc là với hầu hết những
người “bình thường”, chỉ nhắc đến những trò đùa Cá Tháng Tư không thôi
là đủ gây sang chấn rồi. Xui làm sao, trí não của tôi lại không hoạt động
kiểu đó. Nếu có gì, thì chỉ đơn giản là tôi càng thêm quyết tâm phải thực
hiện những trò chơi khăm tiếp theo trơn tru hơn, như trò đùa chúng tôi suýt
thì làm được hồi Cá Tháng Tư năm 1989.