tầm-tay cho bộ phận khách hàng rất lớn gồm nhiều đối tượng khác nhau.
Ông là một anh hùng lục lâm thảo khấu, tính cách trượng phu hào sảng, sự
tinh đời bén nhạy cùng óc hài hước bất kham khiến ông trở thành một lãnh
đạo nổi bật hẳn lên trong một ngành nghề mà thời bấy giờ đang ngấp nghé
bờ tuyệt diệt, tha thiết cần đến ai đó lèo lái theo một phương khác hẳn.
Freddie là người thực dụng, cho dù kế hoạch kinh doanh cơ bản của ông
với Laker Skytrain chỉ thuần túy hợp lẽ tự nhiên. Những hãng hàng không
đình đám đương thời đều cung cấp đường bay xuyên Đại Tây Dương với
giá vé ngất ngưởng và tàu bay có một nửa ghế trống. Freddie tính toán rằng
nếu được phép phá tung cái thế kìm kẹp của các “ông kẹ hàng không”, ông
có thể hạ hẳn mức giá hiện tại xuống 50%, và không chỉ lấp đầy những
chiếc máy bay DC-10 thân rộng của mình, mà còn khiến cả thị trường tăng
trưởng – có lẽ là gấp đôi! Bất chấp những nỗ lực tối đa từ giới cầm quyền
hòng ngăn bước ông trước khi khởi sự, rốt cuộc, Freddie đã đạt được cả hai
mục tiêu.
Sau năm năm gặp đủ mọi trở ngại về cạnh tranh và chính trị, dịch vụ hàng
không bay định kỳ mang tính cách mạng với tên gọi Skytrain của Freddie
cuối cùng cũng đã đi vào hoạt động từ năm 1977. Nó mở ra một kỷ nguyên
mới trong ngành hàng không với dịch vụ “bán vé muộn” – trước đây không
hề có chuyện đặt chỗ trước, nghĩa là gần như bất cứ ai cũng có đủ khả năng
chi trả để bay từ London đến New York. Ở mức khoảng 135 đô-la, một tấm
vé bay xuyên-Đại-Tây-Dương của Laker có giá bằng mức British Airways
và Air France đặt ra cho một chuyến bay từ London tới Paris. Và khi bạn
tính đến một thực tế là mặc dù ở mức giá rẻ chưa-từng-thấy-bao-giờ này,
với chi phí hoạt động cực thấp và những chiêu trò marketing kiểu đập-vào-
mắt, Freddie vẫn có thể kiếm được lợi nhuận, thì chẳng ngạc nhiên gì khi
các hãng có tên tuổi trong ngành hàng không đón chào ông chẳng nồng
nhiệt được bằng một gã lang thang trên phố.