Reagan lại toa rập mà bưng tai bịt mắt trong nỗ lực mù quáng hòng làm
mọi điều cần thiết để cứu vớt những hãng hàng không tiên phong đang thời
sa sút. Kết quả hóa ra là “biết sai đã quá muộn màng”, vì lần lượt British
Caledonian, Pan Am, TWA cuối cùng đều thất bại, dù như vậy cũng chẳng
mang lại chút an ủi nào cho Freddie, người đã bị tước đi cơ nghiệp cả đời.
Vậy là vào cuối năm 1983, tôi tìm đến gặp Freddie và thú thực với ông
rằng tôi muốn tiếp nối chặng đường mà ông đã miễn cưỡng dừng bước. Tôi
đã tìm thấy một đồng minh phù hợp tuyệt vời – và cực kỳ giàu động lực, để
rèn cặp tôi với một kho báu toàn những lời khuyên vô giá. Vốn không quen
nói năng kiểu nhìn trước ngó sau, ông hùng hổ tuyên bố “Kiện chết cái đám
khốn nạn đi!” như lời tư vấn về cách đối phó với British Airways trong
trường hợp họ rắp tâm đốn hạ Virgin như cách họ đã đẩy ông rớt khỏi bầu
trời. Khỏi phải nói, tôi bám sát lời khuyên này lấy từng chữ, và kết quả là
thắng vụ kiện phỉ báng lớn nhất trong lịch sử pháp lý nước Anh trước
British Airways trong chiến dịch mà họ gọi là “trò bẩn”.
Tuy vậy, hóa ra có một lời chỉ bảo nữa từ Freddie cuối cùng đã thay đổi
vĩnh viễn cách làm kinh doanh của tôi, cùng với đó, là cả cách chúng tôi
gửi gắm thương hiệu Virgin vào trăm ngả kinh doanh mới mẻ và đa dạng
khắp toàn cầu. Khi bàn tới những thử thách mà một doanh nghiệp tay trắng
làm nên phải đối mặt khi đọ sức với những khoản tiền tấn đổ vào quảng cáo
và tiếp thị từ những đối thủ sừng sỏ cỡ BA, Freddie nhìn thẳng vào mắt tôi
và bảo: “Nghe này, Richard, cậu đừng hòng khiến cái lớp giáp trụ của họ
xây xước lấy một mảy bằng mấy cách tiếp thị truyền thống. Tôi đã ngộ ra
từ sớm, rằng bản thân cậu phải bung hết súng ống ra mới được. Phải hiển
hách, phải liều mình, phải sáng tạo, phải bắt người ta nghe mình và phải tự
gây chiến trước khi tụi nó kịp hoạnh họe cậu. Nếu cậu không tìm ra cách
thu hút thật nhiều chú ý bằng những chiêu trò miễn phí, tụi nó sẽ ăn sống
nuốt tươi cậu ngay đấy.”
CÁCH PHÒNG NGỰ TỐT NHẤT…