Có lẽ điều trớ trêu nhất ở đây là vào năm 1971, nếu không nhờ ân đức của
một quan tòa Anh quốc, thì tôi cũng đã có tiền án tiền sự rồi. Tôi bị các
nhân viên Thuế quan tóm gọn trong lúc thực hiện hành vi tài tình (hoặc hồi
còn bồng bột non trẻ tôi tưởng thế) là “làm sai lệch” thuế mua hàng với các
đĩa hát xuất nhập khẩu. Phải nhờ bố mẹ tôi hào phóng đem căn nhà gia đình
tôi đang ở ra làm đồ ký quỹ để bảo lãnh cho tôi, sau đó là thanh toán hết
khoản tiền phạt kếch xù, tôi mới thoát được việc dính vào tiền sử phạm tội.
Nếu tôi thực sự phải ngồi tù và bị dán nhãn cựu tù nhân, thì khả năng rất
cao là Virgin có lẽ không bao giờ có mặt trên đời, và hàng chục nghìn công
ăn việc làm chúng tôi tạo ra chắc chẳng đời nào tồn tại. Nếu tôi phải ngồi tù
vì cái lỗi đánh giá sai lầm ngu ngốc thời tuổi trẻ, tôi sẽ vẫn là con người
giống hệt như ai đó (may mắn) không ở sau song sắt, nhưng hẳn nhiên sẽ bị
xã hội bêu riếu và gần như chắc chắn kết quả là tôi sẽ có một cuộc đời rất
khác.
KHÔNG NÓI ĐIỀU XẤU
Trong phòng khách ở nhà, bố mẹ tôi luôn để cụm tượng Tam Không (ba
con khỉ thông thái) nho nhỏ rất dị – chắc bạn đã từng nhìn thấy rồi – thể
hiện một nguyên tắc đã thành cách ngôn là “Không nhìn điều xấu, không
nghe điều xấu, không nói điều xấu.” Dù không thể tác động được gì lắm về
khoản “không nhìn điều xấu”, nhưng bố mẹ cũng đã cố gắng hết mình để
dạy tôi không nghĩ xấu hoặc nói xấu về người khác.
Bố mẹ khuyến khích tôi luôn nhìn vào mặt tốt của mọi người chứ không
suy đoán những điều tệ nhất rồi cố bới lông tìm vết. Nếu nghe thấy tôi xì
xào bêu riếu người khác, bố mẹ sẽ bắt tôi đi ra tự nhìn vào gương trong
vòng năm phút, ý của bố mẹ là tôi nên tự nhìn xem một hành vi như thế
phản chiếu lên tôi xấu xí như thế nào. Tôi còn được dạy rằng những cơn
cáu kỉnh hay mọi hình thức bộc phát tức giận hoặc dữ dằn cũng không
nhằm bất cứ mục đích hữu ích nào, nếu không muốn nói là chỉ gây bất lợi
cho ta. Đó là một bài học nằm lòng với tôi, và tới tận hôm nay, vẫn hay có