bừng bừng và giúp bạn tập trung. Chí ít về lý thuyết là thế, và dù nói một
câu “Có gì mà phải căng thẳng!” thật dễ, thì với một số người (tôi cũng
vậy) thì nỗi sợ nói trước đám đông có thể gây hao tổn khí lực. Cách hay
nhất để xoa dịu chỉ đơn giản là: luyện, luyện nữa, luyện mãi, luyện xong
rồi, luyện thêm chút nữa. Cứ luyện làu làu cho đến khi bạn nói cả trong
giấc mơ, và rồi mọi sự xảy ra ban ngày sẽ trôi chảy hơn rất nhiều.
PHÁT BIỂU KIỂU KHÔNG-RAO-GIẢNG
Vậy là bạn có thể, và rất nên tiếp thu lời khuyên sáng suốt này, hoặc bạn
cũng có thể cân nhắc một cách tiếp cận khác nữa mà tôi cảm thấy cực kỳ
hữu ích mỗi khi phải phát biểu trước đông đảo khán thính giả: Tôi không
phát biểu nữa! À, nói thế cũng không hẳn, thi thoảng tôi vẫn thực hiện
những bài nói chuyện chuẩn mực, nhưng trước khi nhận lời bất cứ cuộc
diễn thuyết nào, tôi sẽ luôn cố gắng thuyết phục họ đổi cách tổ chức sang
thành dạng phiên hỏi-đáp.
Không chỉ một mình tôi cảm thấy dễ thở và thoải mái hơn với một phiên
hỏi-đáp, tôi tin rằng cả khán giả cũng thu hoạch được nhiều hơn từ đó. Với
một bài diễn thuyết kiểu mẫu chừng hai mươi lăm phút, đôi khi ta cũng tìm
cách chêm vào được vài câu hỏi từ khán giả ở đoạn cuối, nhưng thường rất
qua loa và hiếm khi hiệu quả. Thế nhưng, với một phiên hỏi-đáp được điều
hành khéo léo, khán giả được dẫn dắt cuộc đối thoại (hoặc chí ít họ nghĩ
vậy), nên tôi luôn cảm thấy mình có thể quán xuyến được một loạt chủ đề
phong phú rộng khắp hơn so với việc chỉ cố nhồi nhét mọi nội dung vào
một bài nói chuẩn bị từ trước. Đồng thời, nếu có chủ đề nào đó tôi đặc biệt
muốn thảo luận, vậy thì vài ba câu hỏi nêu trước luôn luôn có thể tạo điều
kiện cho việc đó một cách rất tinh tế!
Thật thú vị, từ khi tôi áp dụng cách tiếp cận không-rao-giảng này vào
những “lời mời nói chuyện”, tôi (được người ta bảo cho biết) đã trở thành
một trong những “diễn giả” có thù lao cao nhất thế giới, kết quả là tôi đã
thu hút được khoảng 10 triệu đô-la mỗi năm về cho quỹ từ thiện.