Bạn đã bao giờ để ý rằng cứ sau một bài phát biểu chính thức, khán giả
thường dành nhiều thời gian để thảo luận tất cả những gì còn chưa được
diễn giả nói tới hơn so với những gì đã được đề cập? “Giá mà cô ấy dành ít
thời gian để giải thích rõ hơn về XYZ”, hay tệ hơn là “Anh có để ý thấy cô
ý cứ cố tình tránh nhắc đến chủ đề ABC, mà tôi thì thật sự muốn nghe về
cái đó.” Kể cả có một phiên hỏi-đáp chất lượng đi nữa, rõ ràng là bạn
không phải lúc nào cũng thảo luận được tất cả những gì bản thân hay khán
giả muốn đề cập, nhưng chí ít họ có cơ hội để trở thành người dự phần, chứ
không chỉ là người nghe.
Và câu hỏi hàng đầu tôi nhận được từ khán giả hầu như mỗi lần tôi tham dự
phiên hỏi-đáp vẫn là câu yêu thích của tôi bấy nay: “Richard, anh có thể kể
cho chúng tôi biết anh đã nghĩ ra cái tên Virgin như thế nào?” Thế nhưng,
tôi nên cảm thấy biết ơn họ – đáng ra họ có thể hỏi những câu khó hơn
nhiều!
NHỮNG TỪ VÀ CÂU NÊN TRÁNH NHẤT
Bất kể bạn đang phát biểu chính thức tại một sân khấu ngoài trời, tham gia
một phiên hỏi-đáp trong hội trường hay trò chuyện cùng một nhóm hai
mươi nhân viên trong phòng họp, bạn đều phải nỗ lực để tối đa hóa mức độ
chú ý của các thính giả, đồng thời giảm thiểu khả năng mập mờ và những
hiểu lầm (tiềm tàng tai hại) sau đó. Về vấn đề này, sau đây là vài từ, ngữ
(và âm thanh) phổ biến mà, theo kinh nghiệm của tôi, tốt nhất nên tránh:
Ừm, à, “bạn biết đấy” và “kiểu như”
Các diễn giả căng thẳng có xu hướng khiếp sợ sự im lặng từ công chúng
hơn hết thảy. Kết quả là họ vội vã lấp đầy mọi khoảng trống đáng lẽ ra nên
là đoạn ngưng (bạn nhớ những gì Mark Twain nói về cái này chứ?) bằng đủ
kiểu ừm, à, gầm gừ và các từ linh tinh vô nghĩa. Thế hệ tôi thường thích rắc
búa xua từ “anh/chị/bạn biết đấy” vào mỗi câu, trong khi một từ lấp chỗ
trống yêu thích (của tiếng Anh ngày nay) là “kiểu như” (like). Vài người