thế hệ 9X trở đi có thể chêm vào những từ kiểu như “kiểu như” vào, kiểu
như mỗi câu còn nhiều lượt hơn kiểu như những từ khác cộng lại. Nhưng
bất kể ý thích cá nhân của bạn là gì thì những từ ngữ “lấp chỗ trống” như
vậy tốt nhất là nên tránh – chúng chẳng có tác dụng gì ngoài làm bài phát
biểu lê thê mà chẳng thêm được chút giá trị gì.
Tôi đã có một bài học cay đắng về chủ đề này sau buổi phỏng vấn đầu tiên
trên sóng phát thanh, nhưng may nhờ ơn của Anthony Howard quá cố, nếu
không tôi đã tự biến mình thành thằng hề rồi. Howard là một ký giả, một
phát thanh viên và cây viết lẫy lừng ở BBC Radio 4, ông chủ trì một cuộc
phỏng vấn thu âm trước với tôi, khi đó còn trẻ và rất bồn chồn, nói chuyện
về tạp chí Student mới còn măng sữa. Sau khi thu âm, tôi cảm thấy buổi
phỏng vấn diễn ra tốt đẹp bất ngờ, có chăng chỉ là hơi dài chút. Thế nhưng,
trước khi buổi phỏng vấn lên sóng, Howard đã tử tế gửi cho tôi hai cuộn
băng khác nhau về màn nói năng của tôi. Băng thứ nhất là mười phút sẽ
được phát sóng, tôi nhớ mình đã đắc ý nhủ thầm rằng mình nói năng trau
chuốt, tự tin và đĩnh đạc làm sao. Rồi khi nghe cuộn băng thứ hai, tôi như
rơi từ trên trời xuống đất đau điếng. Tôi kinh hoảng nhận ra nó chẳng có gì
ngoài những tiếng “ừm”, “à”, “anh biết đấy”, tiếng hắng giọng… tất tật đều
đã được biên tập viên loại khỏi bài phỏng vấn. Điều thực sự khiến tôi buồn
khổ là trong hai băng ghi âm, cuộn băng bị loại bỏ dài hơn nhiều!
“Đấy không phải ý tồi”
Bất cứ cách sử dụng “phủ định kép” nào như thế cũng chỉ khơi gợi hoang
mang ở thính giả mà thôi. Thêm từ “có lẽ” vào nữa, nó sẽ càng rối rắm hơn.
Lời truyền đạt lại từ bất cứ ai nghe Giám đốc Điều hành nói một câu kiểu
vậy có thể khác hẳn nhau: từ “Sếp thích đấy – mình cứ tiến hành dự án
thôi” cho đến một câu phản đối hoàn toàn “Sếp ghét lắm – sếp thậm chí còn
không thèm nói đấy là ý hay nữa cơ mà.” Nên hãy dứt khoát. Nếu bạn phê
chuẩn hoặc loại bỏ thứ gì đó, hãy quả quyết và thể hiện rõ ràng quan điểm
của mình, và đảm bảo có kèm giải thích tại sao.