Toan Ánh 103
Chữ môn cho chí chữ công,
Phạm vào phép nước tất không dung hoài."
Mấy câu trên trích trong một bài thời về đời Minh Mệnh, khuyên dân chúng tránh
những điều cấm kỵ.
Ở vùng quê vật liệu xây dựng nhà thường là tre là gỗ, cũng có đôi khi dùng tới
gạch ngói. Mái nhà lợp tranh, rơm rạ hay lá gồi nhiều hơn là lợp ngói. Tường nhà
thường là vách đất, đất vừa trộn với rơm và trét vào những sườn bằng tre hay nứa. Nền
nhà là đất nện, đôi khi cũng có lát gạch, loại gạch rẻ tiền.
Những nhà lợp ngói thường nền gạch, có khi lát loại gạch hoa. Trong những năm
gần đây, ở vùng quê nhiều nhà làm nền bằng xi măng, tường vách bằng gỗ hoặc bằng
đất trét hay đất đắp lên.
Dù nhà gạch hay nhà đất, xưa đều có cột, cột nhà bằng tre hoặc bằng gỗ. Người ta
thường dùng tre đực làm cột, và gỗ thường là gỗ xoan ở ngoài Bắc và trong Nam là gỗ
dầu. Nhiều nơi trong Nam thay tre bằng những cây tràm rất bền.
Mái nhà dựng lên trên tường và cột, có rui mè để giữ cho chắc, lại có những xà
ngang bắc vào cột bằng những chiếc mộng, có đòn tay nâng đỡ.
Nhà tranh vách đất thường không có móng.
Cột nhà, nhà tranh cũng như nhà ngói được kê trên nhưng tảng đá vuông hoặc tròn
để tránh cho chân cột khỏi bị mục hoặc mối. Không có những khối đá, người ta dùng
những viên gạch xây chồng lên nhau.
Ngày nay, những vật liệu làm nhà, ngoài những thứ cổ điển xưa còn có tôn, hay
fibro-ciment để lợp mái thay ngói, lá, tranh và rơm rạ, có xi măng cốt sắt để làm cột.
Những nhà xây cất theo kiểu mới chỉ dùng xi măng, gạch, không có đòn tay, xà như
xưa.
Kiến trúc nhà cửa
Khoa kiến trúc ngày nay, tại các nước Âu Tây cũng như tại các đô thị của ta, dựa
trên các khoa kỷ hà học, vật lý học, hoá học và mỹ thuật để tạo nên những tiện nghi
vật chất và tinh thần cho con người; trái lại khoa tạo tác của ta xưa muốn đem lại sự
yên ổn cho tâm hồn con người, nên các kiến trúc sư Viễn Đông thời trước thường tìm
cách lợi dụng cái khí của Trời Đất, Núi Sông hoà hợp với con người để hợp theo lý
tam tài phối hợp như đã nói trên.
Thực ra lối kiến trúc nhà cửa phương Đông, tức là có cả Việt Nam ta, không phải
chỉ là công việc cấu tạo nên một ngồi nhà để lấy chỗ trú mưa tránh nắng, dù ngôi nhà
chỉ là một ngôi nhà lá vách đất.
Cấu tạo nên một ngôi nhà, nhưng phải cấu tạo làm sao để ngôi nhà được nằm trong
một khung cảnh thanh lịch, với cây cỏ dịu dàng biểu lộ được sự yên tĩnh tâm hồn con
người. Khung cảnh có khi tạo nên thi vị để tăng sự thư thái cho tâm hồn.
Ở đây, tưởng cần nói thêm, dân chúng phương Đông, cả Việt nam ta thưở xưa còn
tin ở thần quyền, tin ở tài lực vạn năng của tạo hoá, không bao giờ dám ganh đua với
tạo hoá, mà chỉ uốn mình dựa theo những hòan cảnh của kiến trúc để tỏ sự phục tùng.
Ở đây có cái gì trái ngược với phương Tây. Ở phương Tây, con người muốn ganh
đua cùng tạo hoá, và một công trình kiến trúc, con người tự coi là một chiến thắng của
mình đối với thiên nhiên. Con người phương Tây xây cao để vươn lên, còn con người
phương Đông chỉ nhũn nhặn dựng nhà cửa của mình không lên bề cao, mà chỉ cốt làm
sao cho nhà cửa được hoà hợp với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên sự êm dịu cho cuộc
sống.
Nếu người phương Tây muốn mỗi công trình kiến trúc mình đều nổi bật trên khung
cảnh của tạo hoá, thì người phương Đông lại mong những nhà cửa mình thuận với