Phong Tuc Tap Quan Viet Nam
Bánh chưng bánh giầy xuất hiện ở nước ta từ khi đó, và Tết đến hàng năm trong
dân gian đều gói bánh chưng, bánh giầy cúng tổ tiên, thần thánh và Trời, Phật. Khi
cúng Phật người ta cúng bánh chay, nghĩa là bánh nhân đường hoặc nhân chỉ có đậu
mà không có thịt.
*Bánh giầy
Bánh chưng và bánh giầy cùng một sự tích, đã nói tới bánh chưng thì không thể
không nói tới bánh giầy.
Như đã nói trong sự tích, bánh giầy làm bằng xôi. Xôi đồ cho khéo, dùng chày giã
cho các hạt xôi nát ra, thành một thứ bột quánh dính vào nhau rồi bắt ra thành từng
chiếc bánh tròn mà dèn dẹt, đặt trên lá mít hoặc lá chuối. Người ta xén lá mít hoặc lá
chuối sát với chiếc bánh.
Trong lúc giã xôi làm bánh thường người ta bọc đầu chày bằng một mảnh cói, thỉnh
thoảng có phết mỡ để xôi khỏi dính vào. Người ta không thể bỏ xôi vào cối mà giã
như giã bột, giã cua. Xôi được rải trên một chiếc chiếu sạch, thường dùng riêng cho
việc này. Những nhà hàng làm bánh giầy, có chiếc chày cao, khi giã bánh người ta
đứng mà giã.
Bánh giầy làm bằng xôi không, gọi là bánh giầy chay. Người ta có thể bọc vào giữa
bánh giầy một ít nhân đường họặc đậu.
Bánh giầy chay ăn với giò chả rất ngon. Bánh giầy nhân đường hoặc nhân đậu ăn
lại có vị ngon khác.
Ngoài Bắc xưa có làng Quán Gánh, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội
13 cây số về phiá nam làm bánh giầy ngon có tiếng, và người làng này thường mang
gánh giầy lên bán cho dân Hà Nội, được dân Hà Nội rất ưa chuộng.
Ngày xưa, Tết đến người ta nấu bánh chưng nhưng cũng có làm cả bánh giầy. Dần
dần người ta bỏ bớt bánh giầy vì giã bánh giầy lịch kịch, người ta chỉ giữ lại bánh
chưng cho ngày Tết thôi. Trong những dịp cưới xin, biếu xén, ma chay hoặc tế lễ,
bánh chưng bánh giầy thường đi đôi thành cặp với nhau.
Bánh trái chế hóa bằng gạo, cả gạo tẻ lẫn gạo nếp. còn rất nhiều thứ như đã kể sơ
qua ở trên, tuy nhiên dùng để thay cơm cho đỡ tốn chỉ có bánh đúc bằng gạo tẻ. Bánh
chưng bánh giầy cũng là những thứ quà rẻ tiền, có thể thay cơm được tuy vẫn đắt hơn
cơm. Còn các thứ bánh khách chỉ dùng ăn như ăn quà, không thay hẳn được cơm như
cháo hoặc bánh đúc. Bởi vậy ở đây chỉ nhắc qua tới mà không nói rõ đủ chi tiết chế
hoá như bánh đúc và bánh chưng, bánh giầy.
Tóm lại, gạo là thức ăn chính của người Việt Nam, được dùng để nấu cơm, đồ xôi
và chế biến các thứ bánh trái.
Người dân quê Việt Nam rất quý hạt gạo, không dùng phí phạm. Ta thường bảo
nhau gạo là ngọc thực Trời ban cho, ai phung phí sẽ phải tội.
Cá
Hai nghề chính của ta là nghề nông và ngư nghiệp. Gạo là món ăn chính của ta do
nghề nông sản xuất ra, còn cá cũng là một món ăn chính như gạo nhưng do ngư
nghiệp mà có.
Ta đánh cá ở hồ, ao, sông ngòi và ở biển.
Cá có thể ăn tươi, ăn khô hoặc ăn muối.
Cá tươi ăn rán, luộc, kho, hấp, nướng, nấu canh, làm chả.
Cá khô, là cá tươi đem phơi khô. Những cá lớn, trước khi phơi khô người ta đem bỏ
ruột, còn những cá nhỏ, người ta đánh được sao cứ để vậy mà phơi.
Cá muối là cá đem ướp muối để làm mắm. Có nhiều thứ mắm: Mắm nêm, mắm
thái, mắm mực, mắm chao...