Toan Ánh 143
Ta có câu:
"Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”
và sách cũng có chữ rằng:
"Vạn khoảnh lương điền,
Bất như bạc nghệ”.
Qua mấy câu trên ta thấy rằng dân ta nếu trọng văn học, nếu nhiều người theo đòi
nghiệp bút nghiên, hoàn toàn không phải ta khinh rẻ những nghề nghiệp khác.
Cha mẹ gây dựng cho con, nếu không thể cho con học hành đến nơi đến chốn tất
phải nghĩ đến việc cho con tập lấy một nghề, mai sau làm kế sinh nhau.
Nước ta xưa không có trường dậy nghề, nhưng các người thợ đều nhận các trẻ tập
việc để có người giúp đỡ trong những công việc vặt.
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, ta chỉ cốt cho con cái học nghề, không nề hà đó là
nghề vất vả nhiều hay ít, và dù con cái có bị cực nhọc thì chính nhờ sự cực nhọc
chúng sẽ nên người.
Nghề nghiệp tại nước ta
Nghề nghiệp tại nước ta trước đây có thể xếp theo “tứ dân” là Sĩ, Nông, Công,
Thương, nhưng trong mỗi hạng đều phân ra nhiều ngành khác nhau.
Sĩ thì có Nho, Y, Lý, Số. Những người theo học nghiệp văn cho đến thành đạt, đỗ
ông Nghè ông Cống đứng đầu hàng Nho, rồi đến các ông đồ dậy trẻ. Cũng phải xếp
vào hàng Nho các ông Khoá, ông Tú làm “nghề bán chữ” không phải bằng cách dạy
trẻ mà bằng cách nghĩ và viết những bức trướng đối, những bài văn viếng, văn tế, văn
mừng, văn chúc v.v..., và cả chính những nho sĩ mở hàng đối trướng nữa. Còn nhiều
hạng Nho, có hạng được xã hội trong vọng, cũng có hạng khác bị xã hội coi thường và
có khi khinh rẻ như hạng “nho lại” tại các công môn đã dùng chữ nghĩa để bày đặt đơn
từ xui nguyên dục bị, đã dùng chữ nghĩa để ăn không nói có v.v....
Sau hàng Nho là hàng Y, tức là những người theo đuổi nghiệp thuốc. Muốn học
nghề thuốc cần phải thông chữ nghĩa để đọc trên các vị thuốc, để viết các đơn thuốc.
Muốn cho con trở thành ông Lang, theo đuổi y nghiệp, trước hết bố mẹ phải cho
con đi học cho thông văn tự, sau đó mới tìm đến một vị danh y để xin cho con được
vào làm đệ tử. Nếu vị danh y chấp nhận,, bố mẹ đứa trẻ sẽ sửa lễ đến nhà vị lương y,
gọi là “lễ nhập môn”. Vị lương y sẽ làm lễ Thánh sư nghề thuốc và cáo gia tiên trước
khi thu nhận đứa nhỏ. Thường đi học nghề làm thuốc, đứa trẻ ít nhất phải 15 tuổi trở
lên mới có đủ trí khôn để lĩnh hội hết những sự tế nhị của nghề.
Lúc đầu đứa nhỏ tập nhận diện các vị thuốc, và phải học theo sách dược tính của
mỗi vị thuốc. Sau đó học những bài thuốc chữa cho mỗi bệnh, rồi sau cùng tới tập bắt
mạch, kê đơn. Học nghề thuốc rất khó khăn vì sai một ly đi một dặm, mạng người ở
trong chén thuốc.
Nước ta hằng có những bậc danh y như Hải Thượng Lãn Ông, tiếng tăm vang lừng
không những riêng trong nước mà các nước láng giềng như Trung Hoa, Nhật Bản đều
biết tiếng.
Xếp hàng sau Y, là Lý. Đây là những thầy địa lý, những thầy dùng kinh truyện mà
đoán mọi việc cho người về đất đai, nhà cửa, phong thủy, v.v....
Sau Lý là đến Số. Đây chỉ các ông thầy bói toán đoán số mệnh của mọi người khi
xưa. Trong ngành số chính cũng chia làm nhiều nghề: xem bói dịch. đoán tử vi, đoán
Hà lạc lý số, xem tướng, xem chiết tự, v.v.... Hai hạng trên chỉ tồn tại trong thời trước
đây.
Hạng Sĩ, với bốn ngành Nho, Y, Lý, Số được coi là đứng đầu “tứ dân”.
Sau Sĩ đến hạng Nông với các ngành Ngư, Tiều, Canh, Mục.