Toan Ánh 157
YẾN LÃO tức là bữa yến để thết các cụ già.
Tại nhiều làng để tỏ lòng kính trọng các cụ già, trong dịp đầu năm thường có tổ
chức một bữa tiệc riêng để mời các cụ, cả cụ ông lẫn cụ bà, tuổi từ lục tuần trở lên tới
dự. Bữa tiệc rất thịnh soạn và thường có món yến là một món ăn rất quý.
Hàng năm ngày Yến Lão được ấn định bởi dân làng. Tới ngày đó, một số các dân
đinh trong làng, theo lần lượt hàng năm phải mang bánh trái, đồ lễ tới đình, trước là để
lễ thần, sau là để các cụ dùng. Có làng, theo tục lệ dân đinh phải đóng góp để lấy tiền
làm bữa yến này, bữa yến sẽ do một người phụ trách sửa soạn. Có thể không có món
yến, nhưng vẫn gọi là "bữa yến" vì mâm cỗ rất sang trọng.
Các cụ, dân làng kính trọng gọi là Lão ông và Lão bà. Ðám rước này gọi là RƯỚC
LÃO. Các lão ông và lão bà tụ tập tại một nơi để dân làng mang âm nhạc, cờ quạt tới
rước. Ðám rước sẽ đi suốt làng để các cụ nhận sự chào mừng của dân xã. Trong lúc
rước, các cụ đi theo thứ tự tuổi tác, các cụ nhiều tuổi đi lên trên. Các cụ đều mặc quần
áo màu đỏ rực tượng trưng cho sự vui mừng, ngồi trên cáng hoặc ngồi trên võng có
dân đinh khiêng và có con cháu đi theo.
Có nhiều địa phương, các cụ tới họp tại đình làng, từ đó dân làng sẽ rước các cụ đi
một vòng quanh, rồi lại trở về đình.
Về tới đình, các cụ ngồi dự yến, cứ bốn người một mâm.
Trong bữa tiệc yến có bát âm cử nhạc, lại có ca nhi ngâm lên nhiều bài thơ hoặc ca
trù chúc mừng các cụ. Có đốt pháo tưng bừng. Và mé cửa đình cờ quạt, tàn, lọng bay
phất phới.
Yến dự xong, các cụ lại có phần mang về, thường theo tục lệ, mâm yến các cụ thật
là thừa thãi, các cụ chỉ ăn một phần, còn lại các cụ mang về chia cho các cháu để cùng
hưởng lộc làng.
Tục lệ yến lão nói chung tại các nơi thì như vậy, nhưng mỗi làng tùy theo địa
phương vẫn có sự khác biệt. Có nơi gọi mâm yến là MÂM CỖ NGỌC như ở làng Ðầu
Ðàng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; có nơi mân yến chỉ là mâm cỗ thường, nhưng
các cụ được hưởng phần xôi gà dành riêng rất lớn như ở làng Thị Cầu huyện Võ
Giàng, tỉnh Bắc Ninh trước đây.
Mâm cỗ ngọc
Làng Ðầu Ðàng là tên tục xã Ðặng Cầu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có tục
Rước lão và Yến lão. Mâm yến ở đây gọi là "mâm cỗ ngọc".
Rước lão được tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng âm lịch mỗi năm.
Sáng hôm đó các cụ già mặc áo thụng màu lam có thêu năm chữ “Phúc”, “Lộc”,
“Thọ”, “Khang”, “Ninh” tập trung tại đình làng, được dân làng rước từ đình, qua văn
miếu, qua chợ rồi lại về đình để mọi người chào mừng các cụ. Trong lúc đi rước các
cụ trên 100 tuổi được trai tráng khiêng võng rước đi. Các cụ cao niên nhất đi võng
Đào che bốn lọng, con cháu đi chung quanh.
Về tại đình, các cụ an tọa tại hai bên tả hữu bàn thờ theo ”niên sỉ”, bốn người một
chiếu. Mâm cỗ ngọc được bưng ra. Mâm cỗ rất lớn, xôi đơm đầy mâm ú ụ, có quả
trứng khổng lồ do trứng gà đổ vào bong bóng trâu, một nồi cháo thật lớn để các cụ
xơi.
Tại sao không gọi là mâm Yến lại gọi là Mâm cỗ ngọc?
- Vì tục làng này, mâm cỗ không có yến, mà chỉ có mâm xôi lớn bằng gạo nếp cái
thơm, trắng tinh như ngọc.
Mâm cỗ ngọc hậu hĩ như vậy, nhưng thường các cụ chỉ ăn cháo, còn xôi gà các cụ
lấy phần mang về để cho con cháu thừa hưởng lộc thánh.