Phong Tuc Tap Quan Viet Nam
Khách khứa của cha mẹ, của chồng tới, cha mẹ hoặc chồng muốn mời khách nếm
bánh chưng hoặc uống chén rượu xuân, bao giờ nàng cũng sẵn sàng bánh đấy, rượu
đấy và cả mâm cơm đấy để bố mẹ hoặc chồng con tiếp bạn. Cha mẹ đi chúc Tết,
chồng đi vắng, ở nhà có khách đến lễ Tết, chính nàng là người phải tiếp khách thay
cha mẹ. Và trong ngày Tết, nàng cũng vẫn phải trông nom con cái, và các em như
thường. Và những công việc thường xuyên như con lợn, con gà và bếp nước, nàng
cũng không thể bỏ qua được.
Ngày Tết nàng có nhàn hơn, vì mọi người đều nghỉ ngơi, đồ ăn, đồ uống lại có sẵn.
Với ngày Xuân, má nàng thêm hồng, môi nàng thêm thắm nàng được thêm một tuổi
trời. Nàng có dịp mặc quần áo đẹp đi lễ bái, đi hội hè cùng các chị em bạn gái, để rồi
Tết qua, nàng lại phải làm lụng với mọi công việc hàng ngày....
Từ trên tôi chỉ nói đến sự làm lụng của người dân đồng ruộng, còn người dân ở
những thành thị, công việc làm lụng có khác hơn nhiều.
Ở thành thị, người nào đi làm các công tư sở thì ngày đi làm hai buổi, về nhà cũng
có người để mắt tới những công việc vặt trong nhà, xem lại bài vở cho con cái, trang
hoàng nhà cửa. Những người buôn bán thì lo buôn bán, thợ thuyền thì đi làm từ sáng
đến tối mới về.
Việc nhà, ở những gia đình bình dân, túng thiếu, người vợ ở nhà trông nom quán
xuyến, các công việc cũng không khác gì công việc của người nội trợ đồng quê, duy
chỉ có điều, ở tỉnh sẵn tiện nghi, nhiều việc không cần phải làm lụng lấy; quần áo có
thể đưa thợ giặt, thức ăn có những thứ bán sẵn, bếp nước có bếp điện, bếp dầu hôi đun
nấu dễ dàng hơn.
Tuy vậy, người đàn bà đảm ở thành thị cũng tự thấy nhiều công việc: suốt từ sáng
đến chiều, trong những lúc chồng con đi làm vắng, người nội trợ phải luôn luôn bận
rộn với những công việc thường ngày: Quét dọn, nấu ăn, trông nom con cái, khây vá,
đan may, v.v....
Các gia đình ở tỉnh thường có người giúp việc, những công việc nặng nhọc như bổ
củi, đi chợ, giặt giũ quần áo, lau nhà lau cửa, nấu nướng, các gia nhân phải làm hết.
Có nhiều bà nhiều cô cũng đi làm công tư chức nên việc nhà đã chểnh mảng.
Nhiều bà nội trợ thành phố không biết công việc nhà là gì, chỉ biết ăn chơi, đua đòi
chúng bạn, học đòi lối sống Âu, Mỹ, thay vì trông nom nhà cửa, các bà lo chơi bời cờ
bạc, có bà trụy lạc chạy theo bả hào nhoáng của thị thành đã lừa chồng dối con, nhất là
từ khi có ngoại bang xâm lược, nhiều đàn bà đã bị hư hỏng vì tiền bạc, vì thú vật
chất...
Đời sống ngày một thay đổi, nhưng sự làm lụng của dân ta ở chốn nông thôn vẫn
luôn luôn vất vả. Sự vất vả này nó đã rèn luyện cho con người Việt Nam chịu đựng
được tất cả mọi sự gian lao qua nhiều cuộc hưng vong của đất nước. Những kẻ đua đòi
theo Âu Mỹ chỉ là một thiểu số, đấy là những con thiêu thân thấy lửa đỏ thì lao mình
vào, nhưng chỉ khi ngọn lửa đốt sém mất đôi cánh những con thiêu thân mới biết mình
đã lao đầu và chỗ chết. Những kẻ cậy tiền ỉ của, nhờ thời cuộc mà làm giàu được,
không biết đến sự vất vả của công việc, chẳng qua chỉ là những kẻ mất gốc, rồi đời họ
sẽ chỉ đi sâu vào vòng tăm tối. Làm sao hiểu được sự làm lụng là lẽ tồn vong của con
người.
Những bọn gian thương, những bọn nhũng lạm sâu dân mọt nước, làm sao cho họ
hiểu được sự cao quý của việc làm?
*
* *