PHONG TỤC VIỆT NAM - Trang 67




Toan Ánh 67

cháu mua về, các cụ dâng cúng Thổ Công và tổ tiên, các cụ lấy thế làm sung sướng.

Các cụ quanh quẩn trong nhà, ngoài nhà, các cụ nhìn lại cỗ hậu của mình kê ở gầm

giường thờ. Rồi khi có khách tới thăm các cụ vui vẻ tiếp, nhất là gặp các bạn già, các
cụ cùng nhau hàn huyên câu chuyện, kể lại những việc đã xảy ra, và nhắc lại những kỷ
niệm hồi thơ ấu để bao giờ các cụ cũng kết luận: "Chóng quá, mới ngày nào!".

Cụ ông có khách của cụ ông, cụ bà có khách của cụ bà. Các cụ mời khách uống

nước, ăn trầu, hút thuốc. Các cụ bà vừa giã trầu vừa tiếp khách.

Giã trầu là thế nào? Các cụ già, răng yếu hoặc đã rụng nhiều, muốn ăn miếng trầu,

vỏ cứng, cau cứng, các cụ nhai không được, phải vỏ vào chiếc cối nhỏ gọi là chiếc cối
giã trầu dùng một miếng que đồng hoặc sắt nhỏ nghiền trước rồi mới cho vào miệng
nhai sau.

Tiếp khách, các cụ giã trầu cho mình, các cụ lại giã trầu mời khách.
Các cụ ông lại còn cái thú đọc sách ngâm thơ, gặp bạn cùng nhau khoe những bài

thơ mới sáng tác, cùng nhau góp ý kiến câu hay câu dở. Rồi các cụ lại đọc cho nhau
nghe những bài thơ các cụ cho là hay, kể cho nhau nghe những đoạn sách các cụ lấy
làm lý thú.

Các cụ cùng nhau uống chén trà, bàn luận về trà ngon trà quý, khen những bộ ấm

chén của cụ này, cụ kia lâu đời.

Các cụ lại mời nhau nếm thử bình rựơu cúc mới cất, hoặc một chén Mai Quế Lộ

thằng cháu ở tỉnh gủi về biếu.

Rồi các cụ ra đình họp việc làng vào những dịp sóc vọng tuần tiết, giỗ hậu hoặc tết

nhất. Các cụ lững thững đi, mũ nỉ che tai, tay chống chiếc gậy đầu có hình con dơi
hoặc bông hoa.

Các cụ bà đi lễ chùa, lo làm phúc, cứu giúp người hoạn nạn, cúng cháo, v,v... Các

cụ cho như vậy là để dành phúc đức cho con cháu.

Tuổi già các cụ thanh nhàn, nhưng nhiều người không con không cháu, lại không

có nhà cửa ruộng nương thì cảnh già cũng không có sự thư thái đó. Các cụ vẫn phải lo
kiếm ăn, nhưng thường các cụ đến ở chùa, gọi là "ăn mày cửa Phật", sống nhờ sự giúp
đỡ của nhà chùa, và của người làng. Trong các làng quê thường có hội chư bà lo việc
làm phúc giúp đỡ những người không nơi nương tựa. Ở chùa các cụ cũng để mắt vào
công việc của chùa để cất chân cất tay đỡ các tăng ni trong những việc nhẹ nhàng.

Rất may, những người số phận hẩm hiu như vậy không nhiều, còn thường ai cũng

có con cháu, nếu không có con cháu thì cũng có họ hàng thân thích.

Tinh thần tương trợ ở đồng quê rất mạnh, người dân quê giúp người để giúp, chứ

không phải giúp người để phô trương, tuy sự giúp đỡ ít ỏi, nhưng lòng rất chân thành.
Chính cái tinh thần tương trợ này nó đã làm cho những người nhận sự giúp đỡ không
thấy tủi, và những người này thường tự nói:

"Sống nhờ cửa Phật, chết nhờ Chùa."

Cửa Phật và Chùa đây gồm cả của dân làng đã giúp đỡ vào chùa.
Như vậy nghĩa là người già, dù giầu nghèo, khi không còn sức làm lụng nữa, vẫn

được nghỉ ngơi trong tinh thần vẫn lo công việc.

*

* *

Ngủ

Trong tiếng kép "nghỉ ngơi", ngoài tiếng nghỉ nghĩa là ngừng hết mọi công việc,

còn tiếng ngơi còn có nghĩa là ngủ. Và ngủ mới chính là nghỉ. hoàn toàn nghỉ, không
lo nghĩ làm một việc gì nữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.