Phong Tuc Tap Quan Viet Nam
"Giêng hai ngày rộng tháng dài!"
Và ca dao còn có câu:
"Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng Ba hội hè!"
Thực ra, lúc này luá Chiêm chưa gặt, công việc về mùa Chiêm, cày bừa, cấy bón đã
hoàn tất từ trong năm, cho đến những ruộng hoa màu phụ cũng đã làm xong, người
dân quê được nhàn rỗi phần nào. Tuy nhiên tinh thần câu ca trên ngày nay không còn
đúng nữa.
Quanh năm vất vả, nay mới được dịp nghỉ ngơi chơi đùa, người dân quê rủ nhau đi
hội thưởng xuân, lễ bái Thần, Phật, cầu phúc, cầu may, nhất là các bà, các cô, những
người tháng này qua tháng khác bị bó buộc bởi công việc gia đình và đồng áng.
Hầu hết các làng đều mở hội mừng Xuân. Có thể nói được rằng trong suốt tháng
Giêng, ngày nào cũng có làng mở hội, và đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng trống hội
vang lừng và bóng cờ ngũ sắc nhởn nhơ bay.
Từ ngàn xưa, người Việt Nam lấy gia đình làm trọng, lấy sự quây quần đoàn tụ làm
hơn, nên trong những khi tiêu khiển ăn chơi, tuy để tìm các thú cho bản thân, người ta
cũng không tiêu khiển ăn chơi riêng rẽ, và trong lúc vui, người ta cũng muốn được vui
chung cùng bạn hữu dân làng, cùng kẻ quen người thuộc ở làng trên xã dưới. Bởi vậy,
những hội Xuân được mở ra, và những hội Xuân đã đáp ứng được mục tiêu tiêu khiển
chung ấy.
Đã được gọi là hội là có sự tụ họp để ăn uống riêng đối với dân làng, vào hàng
được dự chốn đình trung và tụ họp để giải trí tiêu khiển qua những trò "bách hí" đối
với tất cả mọi người cũng như khách thập phương tới xem hội. Những trò "bách hí"
này chính là những trò vui cổ truyền thông thường cho mọi hội Xuân: Đánh đu, cờ
bỏi, leo dây, muá rối, đánh vật, v..v... Và cũng có những trò vui riêng biệt cho từng điạ
phương, tùy vị thần linh được dân làng thờ phụng, hoặc tùy vì trí điạ dư của mỗi làng,
mỗi xã: Đánh phết, hát quan họ, kéo co, bơi chải, bắt chạch trong chum, đánh cá, săn
thú rừng, v.v....
Trong các trò vui có trò thích hợp với người lớn, với người đứng tuổi: Tổ tôm
điếm, cờ bỏi, thi thơ... và cũng có những trò giải trí dành riêng cho thanh niên nam nữ,
những trò vui ngày này bao giờ cũng nhiều và cũng thú vị với tuổi trẻ hơn: Đánh phết,
đánh trung bình tiên, đánh vật, thi nấu cơm, thi cỗ, bơi thuyền, hát quan họ, hát đúm...
Các cụ bà, ngày Xuân đi hội, có thú nghe kể hạnh, xin thẻ...
Mỗi trò bách hí mỗi khác, mỗi khác mỗi thú vị, rất tiếc trong phạm vi tập sách này,
muốn kỹ lưỡng đếm từng trò vui cho đủ cả, thật không sao kể cho xuể; bởi vậy, để
giúp bạn đọc hiểu qua hội quê ngày trước, nơi đây chỉ xin đơn cử dăm ba trò bách hí
đầy dân tộc tính để bạn đọc hiểu sơ qua đôi ý niệm về những trò vui ngày hội.
* Hát đối
"Hát đối"là hai bên nam nữ hát đối đáp với nhau, bên nọ một câu, bên kia một câu.
Có nhiều lối hát đối: Hát quan họ, hát ví, hát trống quân, hát dặm, hát đò đưa, v.v....
Hai lối hát đối thịnh hành nhất thường được trai gái dùng để hát với nhau trong các
ngày hội xuân là hát Quan họ và hát Ví.
Hát quan họ - Đây là một lối chơi xuân thú vị ở vùng Bắc Ninh.
Tương truyền rằng hát Quan họ do một vị hầu tước triều vua Lê Cảnh Hưng, quê
làng Lim, tức làng Lũng Giang, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đặt ra để mua vui trong
lúc tuổi già.
Trái gái, qua những hát, tỏ tình và khen ngợi nhau. Lời hát đôi khi thật văn chương
bóng bảy, đôi khi thật thắm thiết nồng nàn.